Xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) có 2.489 hộ dân với trên 10 nghìn nhân khẩu, trong đó có 2.673 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Với đặc thù của một xã thuần nông có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa, số người đi làm ăn xa đông (chiếm 30% lao động trong xã), nhiều phụ nữ có tư tưởng ngại tham gia các hoạt động xã hội nên công tác tập hợp, thu hút hội viên của Hội Phụ nữ xã gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, tỷ lệ tập hợp hội viên của xã chỉ đạt 52,3% (toàn tỉnh là 73,5%).
Được Hội LHPN tỉnh chọn chỉ đạo điểm về “Công tác tập hợp thu hút hội viên Công giáo tham gia sinh hoạt, xây dựng tổ chức hội vững mạnh”, đầu năm 2007 Hội LHPN xã đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các chi Hội khảo sát số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Kết quả toàn xã còn 1.283 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên chưa tham gia sinh hoạt hội, trong đó có 898 chị không có điều kiện tham gia sinh hoạt hội (gồm: phụ nữ là học sinh, sinh viên và phụ nữ đi làm ăn xa từ 1 năm trở lên), còn lại 368 phụ nữ có điều kiện nhưng chưa tham gia sinh hoạt hội… Nguyên nhân là do Hội Phụ nữ xã chưa xây dựng được các mô hình mới để tập hợp, thu hút hội viên theo ngành nghề, lứa tuổi tham gia, nội dung hình thức sinh hoạt chưa thực sự đổi mới. Bên cạnh đó, do không có ngành nghề phụ nên nhiều phụ nữ đi làm ăn xa, thường xuyên vắng mặt tại địa phương khiến công tác tập hợp, thu hút hội viên gặp nhiều khó khăn. Hội LHPN xã đã chọn chi hội 8 làm điểm từ đó rút kinh nghiệm triển khai trong toàn xã. Trong đó, Hội Phụ nữ xã cũng chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động hội, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt nhằm tạo sức hút đối với hội viên, đa dạng hoá các mô hình CLB. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 14 CLB, trong đó có 3 CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, 9 CLB trồng nấm, 1 CLB phụ nữ không sinh con thứ 3… Hàng năm, Hội Phụ nữ giao chỉ tiêu thi đua cụ thể cho các chi hội, tập trung vào chỉ tiêu phát triển hội viên mới từ 5-10%/năm, tập hợp thu hút hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên đạt 85% trở lên, chỉ tiêu hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo là chủ hộ vươn lên thoát nghèo, mỗi năm mỗi chi hội giúp đỡ từ 1-2 phụ nữ nghèo là chủ hộ thoát nghèo. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã tích cực khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, số vốn hội quản lý gần 4 tỷ đồng, trong đó vốn cho vay hộ nghèo là 1,4 tỷ đồng, vốn cho vay học sinh, sinh viên là 2,6 tỷ đồng. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ cũng được quan tâm trong đó nghề trồng nấm là nghề chủ lực tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ. Cùng với các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, Hội Phụ nữ xã còn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội, trẻ hoá đội ngũ cán bộ từ chi hội đến Hội LHPN xã coi trọng vai trò của hội viên nòng cốt, lựa chọn những chị là hội viên tiêu biểu, có trách nhiệm, có uy tín đồng thời có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng, coi đây là lực lượng tiên phong trong các hoạt động hội. Để tiếp tục đổi mới các mô hình hoạt động, vừa qua, Hội LHPN xã đã phối hợp với UBMTTQ, Ban hành giáo giáo xứ Lạc Đạo thành lập CLB “Phụ nữ chức việc” gồm 5 phụ nữ chức việc đứng đầu các hội đoàn giáo hội cùng với 35 thành viên nòng cốt, tiêu biểu tham gia CLB, để thông qua hoạt động của CLB, Ban chủ nhiệm và các thành viên nòng cốt, tuyên truyền vận động phụ nữ có điều kiện tham gia tổ chức hội ngày một đông hơn.
Nhờ có các biện pháp đồng bộ nên những năm gần đây, phong trào phụ nữ xã Nghĩa Lạc đã có những chuyển biến đáng kể, tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên tăng nhanh qua các năm, số phụ nữ có điều kiện tham gia sinh hoạt hàng năm tăng từ 8-10%. Trong 4 năm toàn xã đã phát triển được 304 hội viên mới, nâng tỷ lệ tập hợp hội viên của xã lên 75,3% (tăng 20% so với đầu nhiệm kỳ). Kết quả bình xét thi đua hàng năm có 11/13 chi hội đạt danh hiệu xuất sắc, 2 chi hội đạt loại khá, không có chi hội trung bình. Phong trào phụ nữ xã có sự trưởng thành rõ rệt, từ chỗ chỉ xếp loại khá, nhiệm kỳ này liên tục được công nhận là đơn vị xuất sắc của huyện./.
Hoài Phương