Cơ sở may gia công túi tự tiêu (túi môi trường) của chị Nguyễn Thị Hiên, hội viên Hội Phụ nữ xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động.
Ảnh:
Dương Đức
|
Nhằm hỗ trợ cải thiện điều kiện sống của nhân dân vùng nông thôn, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam vay một khoản tín dụng để triển khai Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng cấp nước, vệ sinh và sức khoẻ nông thôn”. Tỉnh ta là một trong 4 tỉnh được triển khai thực hiện giai đoạn I của dự án từ năm 2007, trọng tâm là Quỹ quay vòng vốn cho xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình, trong đó Hội LHPN được giao nhiệm vụ triển khai, quản lý quỹ. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để giúp cho hội viên phụ nữ có điều kiện cải thiện môi trường sống, phòng tránh các loại bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống, ngay từ khi mới tiếp nhận quỹ, Hội LHPN tỉnh đã xác định rõ mục tiêu phải giải ngân vốn vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy cao nhất hiệu quả của đồng vốn vay. Ban quản lý dự án các xã đã tiến hành khảo sát thực trạng về công trình nước sạch và vệ sinh của các hộ gia đình, khảo sát nhu cầu vay vốn, sau đó tiến hành bình xét vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, ưu tiên các hộ nghèo, gia đình chính sách. Ban đầu việc triển khai thực hiện dự án gặp không ít khó khăn do nhận thức của các hộ gia đình về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường còn hạn chế, song Hội Phụ nữ các xã phối hợp với Ban văn hoá xã tổ chức tuyên truyền rộng rãi về quy chế và mục tiêu hoạt động của quỹ, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường với sức khoẻ cộng đồng, trước tiên là bảo vệ sức khoẻ các thành viên trong gia đình; các nhóm trưởng, nhóm phó thường xuyên đến từng hộ tuyên truyền giải thích nên số thành viên đăng ký vay vốn ngày càng đông. Tại 29 xã được lựa chọn triển khai dự án, Hội LHPN đã đứng ra thành lập 547 nhóm tín dụng - tiết kiệm (TD-TK), hàng tháng các nhóm TD-TK đã duy trì sinh hoạt để đánh giá tiến độ xây dựng của các hộ vay vốn, thu hồi tiền gốc, lãi của các thành viên nộp về Ban quản lý. Do dự án cho vay với lãi suất ưu đãi, hình thức trả dần hàng tháng phù hợp với nguồn thu nhập nên được nhiều hộ hưởng ứng. Đến nay, sau 3 năm triển khai, tại 29 xã của 6 huyện đã có 9.437 hộ gia đình được vay vốn từ Quỹ quay vòng với tổng số tiền 32 tỷ 270 triệu đồng, trung bình mỗi xã có khoảng 300 hộ được vay vốn. 100% các hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn lãi đầy đủ, đóng tiết kiệm đúng hạn, chất lượng các công trình vệ sinh được xây dựng đảm bảo chất lượng. Mặc dù với mức vay chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng (từ tháng 7-2009, UBND tỉnh đã có quyết định nâng mức cho vay xây dựng công trình vệ sinh, cụ thể đối với các hộ sửa chữa, xây nhà vệ sinh sinh thái được vay 3 triệu đồng, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại được vay 4 đến 6 triệu đồng) song cùng với nguồn tiết kiệm của gia đình, nhiều công trình có giá trị tới 15-20 triệu đồng. Ở hầu hết các xã thực hiện dự án, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch và công trình phụ hợp vệ sinh nâng lên rõ rệt, góp phần cải thiện điều kiện sống, giảm tỷ lệ bệnh tật phát sinh hàng năm. Gia đình chị Phạm Thị Nềnh ở tổ dân phố Thịnh Lộc, thị trấn Mỹ Lộc là hộ nghèo, sau khi được xét duyệt vay vốn để xây dựng nhà tiêu tự hoại và được Hội Phụ nữ tín chấp cho vay thêm nguồn vốn hộ nghèo, chị đã đầu tư chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm, đến nay gia đình đã hoàn thiện công trình vệ sinh, cuộc sống ổn định, thoát khỏi đói nghèo. Bên cạnh hiệu quả trực tiếp góp phần cải thiện môi trường, điều kiện sống của các hộ gia đình, các hoạt động của Quỹ quay vòng còn mang lại nhiều lợi ích khác trong đó đã tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của môi trường đối với sức khoẻ cộng đồng, trách nhiệm của mọi người giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Thông qua hoạt động tín dụng đã giúp cho đội ngũ cán bộ hội nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành, kỹ năng tài chính, tín dụng, công tác tuyên truyền, vận động hội viên… từ đó góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức hội.
Thực tế qua 3 năm triển khai dự án Quỹ quay vòng cho thấy nhu cầu vay vốn cải tạo công trình vệ sinh hộ gia đình là rất lớn, nhất là ở những xã nghèo, xa trung tâm. Mong muốn của người dân là dự án tiếp tục mở rộng đối tượng được vay vốn với món tiền được vay cao hơn do hiện nay, giá cả các loại vật tư đều tăng cao, để giúp cho nhiều hộ gia đình nông thôn có thêm kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình vệ sinh, góp phần cải thiện môi trường sống, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Hoài Phương