Xu hướng phạm tội trong học sinh, sinh viên những năm gần đây thật đáng lo ngại, rõ nhất là tính manh động và liều lĩnh. Thực tế, vẫn còn một số trường học, nhất là các trường dân lập, liên kết đào tạo đã buông lỏng quản lý, không quan tâm đến đời sống của học sinh, sinh viên. Trật tự an toàn học đường đã diễn biến vô cùng phức tạp. Mặc dù ngành chức năng đã vào cuộc để giải quyết “vấn nạn” trên, nhưng nhiều vụ bạo lực liên tiếp xảy ra, có vụ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Điều đó cũng dễ hiểu khi những pha đâm chém đầy rẫy trong phim ảnh đã xuất hiện ngay trong môi trường giáo dục.
Vào các dịp nghỉ lễ hay Tết Nguyên đán thường dài ngày, việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên rất khó khăn. Đây là khoảng thời gian các em thường có biểu hiện xả hơi, “ăn chơi” thoải mái nên dễ vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Thậm chí, một bộ phận học sinh, sinh viên cầm đầu những nhóm trộm cướp, cá độ bóng đá, đua xe trái phép và tham gia những ổ nhóm theo kiểu xã hội đen. Hằng năm, một lực lượng không nhỏ học sinh, sinh viên học tập xa quê hương, vì hoàn cảnh khó khăn không thể về quê ăn Tết nên ở lại trường hay chỗ trọ. Thời gian nghỉ dài, cách xa sự quản lý, nhiều em không làm chủ bản thân sa vào tệ nạn xã hội.
Trước thực trạng này, ngày 21-12 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trường học vào các ngày nghỉ lễ, Tết Nguyên đán sắp tới. Bộ đề nghị các cơ sở giáo dục cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, không để học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật. Tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần có nhiều hoạt động văn hóa, TDTT mang tính giáo dục bổ ích như thi báo tường, hội hoa xuân, hay tổ chức các hội trại truyền thống… Giai đoạn cận Tết, nhà trường tổ chức tốt việc trực ban, bảo vệ để bảo đảm an ninh, trật tự, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương khi có vụ việc phức tạp xảy ra./.