Sinh viên là lực lượng lao động trong tương lai gần của xã hội. Tạo điều kiện để sinh viên có đời sống học tập, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, thuận lợi, nhất là trong môi trường ký túc xá, là mong muốn không chỉ của riêng các sinh viên, gia đình họ mà là mong muốn của toàn xã hội. Đồng thời đây cũng là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Cán bộ, chiến sỹ Phòng an ninh văn hoá tư tưởng (CA tỉnh) và lực lượng tự quản Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định trao đổi nghiệp vụ bảo đảm ANTT trong trường học
Ảnh:
Xuân Thu
|
Các trường đại học, cao đẳng ở nước ta nằm tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Số sinh viên có gia đình hoặc người thân có nhà gần trường để ở không nhiều. Đa phần các sinh viên ngoại tỉnh phải ở trọ để theo học. Đối với các sinh viên phải học tập xa nhà, ký túc xá là ngôi nhà thứ hai của họ. Sau thời gian học tập trên giảng đường, ký túc xá là nơi sinh viên nghỉ ngơi, tái sản xuất sức học tập, là nơi các bạn tự học, tiếp nhận thông tin, giao lưu văn hóa, chia sẻ tình cảm nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của mình. An cư mới lạc nghiệp, sinh viên có chỗ ăn ở, sinh hoạt thuận tiện mới có thể chuyên tâm học tập, trau dồi kiến thức, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội lành mạnh, từ đó phục vụ xã hội tốt hơn.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các trường đại học, cao đẳng đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết chỗ ở và điều kiện sinh hoạt cho sinh viên. Nhiều khu ký túc xá được xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, nỗ lực đó vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của sinh viên. Với số lượng sinh viên đông đảo như hiện nay, việc có đủ chỗ ở trong ký túc xá cho 100% số sinh viên có nhu cầu là không khả thi. Mặc dù vậy, cải thiện một số bức xúc hiện nay trong ký túc xá sinh viên nói riêng và đời sống sinh viên nói chung, đang là vấn đề cấp thiết.
Theo thống kê do Bộ Xây dựng công bố cuối năm 2009, nước ta có khoảng 400 trường đại học, cao đẳng và khoảng 300 trường THCN, với khoảng ba triệu sinh viên đang theo học tại các trường. Trong đó, chỉ có khoảng 20% đến 30% số sinh viên được đáp ứng nhu cầu về chỗ ở ký túc xá. Ở TP Hồ Chí Minh, năm 2009 có 70 trường đại học và cao đẳng với hơn 320.000 sinh viên, trong đó khoảng 70% đến từ các tỉnh, thành phố khác. Số ký túc xá hiện có của thành phố chỉ đáp ứng cho khoảng 17% tổng số sinh viên có nhu cầu. Thậm chí, một số khu ký túc xá quá cũ nát, tường tróc, mái dột, không có khu phụ hoặc khu phụ tạm bợ, không bảo đảm vệ sinh, hệ thống cung cấp điện nước đã xuống cấp. Tuy nhiên vì sinh viên có nhu cầu ở rất cao nên nhiều trường vẫn đang phải sử dụng cho sinh viên ở.
Các nhu cầu thiết yếu như điện, nước, chỗ phơi quần áo vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số khu ký túc xá. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm sinh viên K27, Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện từ cuối năm 2009, ở một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, 85,6% sinh viên cho biết có điện đủ sáng; 72,5% có đủ nước sinh hoạt. Tuy nhiên, 14,1% phải chịu tình trạng mất điện thường xuyên và 32,6% thường xuyên mất nước. Nhiều ký túc xá không thiết kế ban công phía sau nên sinh viên phải căng dây, phơi quần áo ra mặt tiền trước phòng, gây mất mỹ quan cho cả khu ký túc xá.
Vấn đề ăn uống cho sinh viên trong ký túc xá hiện nay cần được quan tâm để bảo đảm sức khỏe cho học tập. Các khu ký túc xá thường cấm nấu ăn trong phòng. Vậy nên, hầu hết các sinh viên đều lựa chọn hình thức ăn ở nhà ăn căng tin hoặc ăn ở bên ngoài. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, căng tin không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên. Theo phản ánh của nhiều sinh viên, giá cả tăng nhanh chóng, sinh viên phải ăn ở bên ngoài khu nhà ở mới có thể có đủ tiền ăn cho cả tháng. Trong tình hình nhà ăn sinh viên chưa có hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu, với nguồn trợ cấp ít ỏi, sinh viên phải ăn ở hàng quán bên ngoài và với giá cả leo thang như hiện nay, chỗ sạch sẽ, ngon miệng thì giá cao, chỗ giá rẻ thì vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm.
Các công trình phụ trợ với khu phòng ở, như: phòng tự học, mạng in-tơ-nét, hệ thống phòng cháy chữa cháy, phòng sinh hoạt chung, khu bếp, chỗ phơi quần áo, sân thể thao, trạm xá, dịch vụ ăn uống, khuôn viên cảnh quan là rất cần thiết đối với đời sống sinh viên. Thế nhưng, không phải trường nào cũng đủ diện tích đất và kinh phí đầu tư cho các hạng mục đó.
Cần cải tạo các khu ký túc xá cũ nát và xây mới thêm để giải quyết nhu cầu chính đáng về chỗ ở cho sinh viên, nhất là các sinh viên thuộc diện ưu tiên. Hiện nay, đã có một số khu ký túc xá mới xây với cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập, đời sống văn hóa tinh thần của sinh viên, điển hình như khu ký túc xá mới của Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, với các căn phòng đủ tiện nghi, các công trình phụ trợ, như: phòng xem truyền hình, khu vực đọc báo, đọc sách, máy tính nối mạng in-tơ-nét, điện thoại nội mạng miễn phí nối trực tiếp đến các phòng, hệ thống nhà ăn sạch sẽ, hệ thống nước tiệt trùng và không gian xanh, sạch đẹp. Sinh viên rất mong muốn các trường đại học có kế hoạch xây dựng, huy động kinh phí để có nhiều hơn nữa các khu ký túc xá kiểu mẫu như thế.
Với các xóm trọ tự phát trong các khu dân sinh gần các trường học, chính quyền địa phương cần phối hợp các chủ nhà trọ để quản lý tốt, hỗ trợ phát triển, xây dựng các mô hình xóm trọ điển hình dành cho sinh viên. Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, điều kiện vệ sinh bắt buộc đối với các xóm trọ. Động viên, khuyến khích các chủ nhà trọ cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt khuyến khích sinh viên tại đó tham gia xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Nâng cao vai trò của đoàn, hội, câu lạc bộ trong việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong sinh viên ở tại ký túc và các xóm trọ. Phối hợp địa phương để kiểm soát, xóa bỏ các tệ nạn xã hội trong và chung quanh khu ký túc xá, trường học. Cần lắng nghe và đáp ứng các nhu cầu chính đáng của sinh viên để cuộc sống của họ được lành mạnh và thuận lợi hơn./.
Hà Thanh Sơn