Làng hoa Vị Khê

04:01, 30/01/2011

Những ngày cuối năm, về với làng hoa Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) thấy bát ngát những vườn hoa, cây cảnh, cây thế chen nhau nối liền từ trong làng ra tới tận chân con đê đại hà. Ngay cả dưới chân đê phía bờ sông, là những thảm hoa đủ các màu rực rỡ. Từ lâu, Vị Khê đã trở thành điểm cung cấp cây cảnh cho nhiều nơi trong nước và nước ngoài... Đôi cây sanh thế trực 15 tán đã từng đoạt giải tại triều đình Huế năm nào hiện đang được trồng tại trụ sở Đảng ủy, UBND xã. Đôi cây quý này, năm 1924, cụ Nguyễn Viết Lã đã dùng đôi vai gánh vào kinh thành Huế thi hội hoa xuân và đoạt giải cao, được vua Tự Đức ban thưởng. Khu trung tâm văn hóa, sinh vật cảnh của làng nằm trong tổng thể khu di tích của đình làng. Quần thể di tích này có liên quan đến vị tướng tài ba của Ngô Vương Quyền và vị thái tổ của nghề trồng hoa Tô Trung Tự, khi ông dừng chân nghỉ tại nơi đây và đã dạy dân làng cách trồng hoa, tỉa cây, uốn thế. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, làng hoa Vị Khê đã và đang vươn lên ngày càng thịnh vượng. Cây cảnh Vị Khê có mặt trên khắp đất nước, đáp ứng nhu cầu chơi hoa, thưởng thức hoa của nhân dân và làm đẹp cho các công trình, từ những nơi tôn nghiêm như hàng vạn tuế bên Lăng Bác, rồi cây thế ở Quảng trường Ba Đình, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội đến các khách sạn sang trọng, các khu du lịch, vui chơi giải trí, khu sinh thái Lăng Cô (Huế), Đầm Sen, Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh). Cây cảnh Vị Khê còn có mặt ở Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Singapore... Trong làng hàng chục nghệ nhân được phong tặng tài năng sinh vật cảnh, một nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Bàn tay Vàng". 

Cây cảnh làng Vị Khê được trưng bày tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Công Khương
Cây cảnh làng Vị Khê được trưng bày tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ảnh: Công Khương

Làng hoa Vị Khê nổi tiếng trong cả nước bởi đây là "cái nôi" của nhiều loại hoa cổ truyền quý hiếm của dân tộc, hoa nghinh xuân và cây cảnh nghệ thuật, cây thế. Vào những ngày giáp Tết, du khách tới Vị Khê sẽ được đắm mình trong một không gian trong lành với cỏ cây hoa lá, được ngắm nhiều loại hoa quý hiếm của dân tộc cùng các loại hoa mới đang du nhập vào Việt Nam như lan tiêu, móng rồng, mộc hương, ngọc lan, dạ hợp, hoa nhài, phong lan, ngọc điểm, vanđa, hồ điệp, phi điệp, đuôi chồn và các loại hoa nghinh xuân như mai hồng, mai vàng, trà my, đỗ quyên, đào bích, đào phai nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán, rực rỡ trong nắng xuân, gợi lên sự sum họp đề huề, mang ước vọng cầu mong Phúc - Lộc - Thọ bất tận cho mọi nhà. Cây cảnh nghệ thuật, cây thế, ang chậu... của Vị Khê có đủ các chủng loại bonsai, tiểu thế, trung thế, đại thế, long giáng, long thăng, ngũ phúc, thất hiền, trạng nguyên cập đệ..., giúp người thưởng thức thư thái tâm hồn, thêm yêu cuộc sống, hướng con người vào lối sống chân - thiện - mỹ. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Vị Khê nói cho chúng tôi nghe về nghệ thuật tỉa cây uốn thế và vẻ đẹp, ý nghĩa của mỗi thế cây... Cây thế Long với 5 tán lá tượng trưng cho Ngũ hành và phía dưới là hình cây "long tử" với 3 tán lá tượng trưng cho Phúc, Lộc, Thọ... Bộ Tứ quý thể hiện sự cầu mong cho bốn mùa sung túc và hạnh phúc. Bộ Ngũ phúc khẳng định gia đình có  phúc hậu, đức độ và con cháu đề huề. Bộ Tam đa biểu hiện cả dòng họ cùng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để xây dựng cuộc sống ấm no. Thế Lão mai thể hiện sức sống trường tồn và bất tử, cũng là biểu hiện cho sức sống của mùa xuân vĩnh cửu. Thế Song thụ và Huynh đệ mang tính biểu trưng, biểu tượng cho tình đoàn kết cộng đồng và trong gia đình, rồi các dáng trực, hoành, huyền... Thể hiện những thế, dáng trên là hai loại cây sanh và cây tùng, vì hai loại cây trên đều có sức sống mãnh liệt, tuổi thọ dài, chịu đựng được mọi thời tiết, cây quanh năm xanh tốt, qua thời gian cây càng đẹp. Các bậc cao niên thì chuộng và dày công duy trì các thế cây cổ, các thế mà việc tạo dáng phải tuân thủ những niêm luật nghiêm ngặt, còn lớp nghệ nhân trẻ thì không chỉ xoay quanh các giống cây truyền thống như tùng, sanh, si, la hán, thiên tuế... mà họ còn tìm tòi để làm ra những sản phẩm phải phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, cây cảnh mang thế, dáng hiện đại chứ không bó hẹp trong các thế, dáng cổ. 

IMG_0777.jpg
Làng hoa Vị Khê, xã Điền Xá,  Nam Trực.
Ảnh: Minh Thuận

Tuy nhiên, "thế mạnh" tạo nên thương hiệu hoa cây cảnh Vị Khê là ở việc giữ gìn và lựa chọn được giống cây truyền thống để phát triển có tính chất chiến lược và lâu dài như tùng kim, tùng la hán và sanh Nam Điền. Sanh Nam Điền với đặc điểm lá dày hơn, dăm nhiều hơn, thân đẹp hơn, bộ rễ phát triển tự nhiên, không gò bó. Tùng kim là loại cây có sức sống mãnh liệt, chịu được mọi loại thời tiết, ít bị rụng lá và ít bị sâu bệnh, dăm dầy, lá xanh thẫm, thân dẹp, dễ tạo thế dáng uyển chuyển, được thị hiếu người tiêu dùng ưa chuộng. Tùng La Hán là giống cây truyền thống, tồn tại qua nhiều thế kỷ của địa phương. Đó là ba giống cây chủ lực của Vị Khê từ xưa truyền lại đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị trong sản xuất và tiêu thụ. Những cây có giá trị kinh tế cao thường xuất đi ở Vị Khê hầu hết đều thuộc ba thể giống này. Gia đình anh Nguyễn Văn Giang mỗi năm bán ra 1 tỷ đồng cây cảnh, cây thế (thu nhập sau chi phí từ 300-500 triệu đồng/năm). Gia đình anh Nguyễn Xuân Đức, mỗi năm bán ra từ 2-2,5 tỷ đồng cây cảnh, cây thế (trừ chi phí lợi nhuận đạt 700-800 triệu đồng/năm); hộ anh Nguyễn Công Khanh, Đỗ Quốc Hùng, thu nhập năm 2010 từ sản xuất và kinh doanh cây cảnh, cây thế khoảng 3 tỷ đồng, cây xuất ra chủ yếu là sanh, tùng; gia đình ông Vũ Viết Hoa, Nguyễn Duy Thơm, mỗi năm bán ra trên 3 tỷ đồng cây cảnh, cây thế chủ yếu cũng là ba loại cây chủ lực trên. Bằng đôi tay tài hoa và sự tâm huyết với nghề, các nghệ nhân đã đưa cây cảnh Vị Khê trở thành một "thương hiệu" nổi tiếng có mặt trong và ngoài nước. Làng có trên 600 hộ dân thì hầu hết số hộ dân trong làng đều trồng cây cảnh. Hiện tại 80% thu nhập của người dân Vị Khê là từ cây cảnh, cây thế. Năm 2010 thu nhập của các hộ gia đình trong thôn đạt xấp xỉ 120 tỷ đồng. Điều đáng quý ở Vị Khê là mối quan hệ gắn kết cộng đồng để cùng nhau phát triển kinh tế. Trong năm 2010, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Vị Khê vinh dự được là 1 trong 6 làng nghề tiêu biểu của Việt Nam được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu "Làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân cùng tác phẩm nghệ thuật "Khuê Văn Các" được trao Bằng chứng nhận "Sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam", 37 tác phẩm sinh vật cảnh của làng nghề Vị Khê đã được chọn trưng bày tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh, xã Điền Xá được lập dự án quy hoạch xây dựng xã thành khu du lịch sinh thái văn hóa, trong đó Vị Khê được quy hoạch là trung tâm và là làng du lịch sinh thái văn hóa, làng sinh vật cảnh. Đến nay, dự án đã và đang được thực hiện, tập trung ưu tiên trước tiên cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách. Hiện nay, tỉnh, huyện và xã đã tạo hành lang pháp lý cho nhân dân Vị Khê chuyển dịch cơ cấu cây trồng ra ven đường S6 theo mô hình gia trại. 50 hộ gia đình ở Vị Khê đã tập trung chuyển dịch cơ cấu ra khu vực mới với diện tích 10ha. Các hạng mục trong dự án như kè hai bên kênh mương vào làng, khu sinh hoạt văn hóa của xã, khu vui chơi giải trí cho trẻ em, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên thôn, xóm... dự kiến đến 2015 sẽ hoàn thiện./.

Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com