Khởi sắc ở nhiều vùng nông thôn mới

09:01, 07/01/2011

 Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn và Thông báo số 238-TB/TW ngày 7-4-2009 của Ban Bí thư TW Đảng về Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM), cả nước có 11 xã được chọn thí điểm xây dựng NTM. Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện, đời sống kinh tế - xã hội nông thôn nhiều địa phương có nhiều khởi sắc.

 

Làng quê xã Nam Phong (TP Nam Định) hôm nay.  Ảnh: Xuân Thu
Làng quê xã Nam Phong (TP Nam Định) hôm nay.
Ảnh: Xuân Thu

Để bảo đảm tính toàn quốc, các xã được chọn thí điểm xây dựng mô hình NTM được phân bố đều từ Bắc vào Nam, từ trung du đến đồng bằng, từ ven biển đến miền núi. Theo đó ở vùng núi phía bắc có xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) là xã có nhiều đồng bào dân tộc Thái, địa hình phức tạp, nhưng có lợi thế thuộc vùng lúa đặc sản Điện Biên, nhất là có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản và du lịch. Vùng trung du phía bắc có xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang vốn là xã đa ngành nghề, lại ở khu vực ven đô thị nhỏ, có hệ thống giao thông thuận tiện, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế vườn đồi và công nghiệp. Đồng bằng sông Hồng chọn xã Hải Đường, huyện Hải Hậu (Nam Định) là xã thuần nông. Xã miền núi Gia Phố, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nhiều khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ, lụt, hạn hán là đại diện cho các xã vùng Bắc Trung Bộ. Vùng Tây Nguyên có xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) là xã thuộc vùng kinh tế mới, có nhiều tiềm năng phát triển cây công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Vùng ven biển Tây Nam Bộ có xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang) nơi có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với  ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chiếm hơn 58%. Các xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) là đại diện cho các xã ngoại thành, các đô thị lớn...

Điều dễ nhận thấy, dù là xã miền núi xa xôi, hay xã sát ngay cửa ngõ Thủ đô, khi được chọn thí điểm xây dựng NTM chính quyền và nhân dân nơi đây đều chung một mục tiêu là cùng nhau xây dựng xã có kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM, đến nay, công tác triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm, nhất là việc đầu tư xây dựng cơ bản đều bảo đảm đúng quy hoạch được duyệt. Nhiều xã như Tân Thịnh (Bắc Giang), Thụy Hương (Hà Nội), Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh)... cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết, làm cơ sở cho việc xây dựng hạ tầng. Hầu hết các xã đã huy động các nguồn lực và lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Ngoài nguồn vốn vay tín dụng thông qua các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách Xã hội, đa số các xã đã huy động được nguồn lực từ nhân dân tham gia xây dựng hạ tầng, thông qua các hình thức huy động nhân dân góp bằng ngày công lao động, hoặc hiến đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng. Trong đó có những địa phương vốn đóng góp trong dân có tỷ lệ cao, như Mỹ Long Nam (Trà Vinh) vốn dân tham gia hơn 50%, khó khăn như xã miền núi Gia Phố (Hà Tĩnh) người dân cũng đóng góp gần 20%, xã ngoại ô TP Hồ Chí Minh là Tân Thông Hội góp 15%. Riêng việc hiến đất, nhiều địa phương người dân đã sẵn sàng nhường hàng chục héc-ta cho xây dựng công trình công cộng, như Tân Thông Hội nhân dân đã hiến đất làm đường với giá trị hàng chục tỷ đồng; xã Tân Thịnh, dân hiến hàng trăm mét vuông đất ở những vị trí đẹp để xây dựng công trình công cộng... Quá trình lựa chọn xây dựng công trình đều do cộng đồng dân cư quyết định trên cơ sở căn cứ vào tiêu chí xây dựng NTM và phù hợp với nhu cầu bức thiết của địa phương, do đó cũng rất đa dạng. Có xã tập trung vào xây dựng hệ thống đường giao thông, lưới điện, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa. Có xã tập trung cho xóa nhà tranh vách đất cho hộ nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách. Có xã như Gia Phố (Hà Tĩnh), Tam Phước (Quảng Nam), Hải Đường (Nam Định) lại tập trung vào xây dựng công trình thủy lợi nội đồng gắn với chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay đã có hàng trăm hạng mục công trình cơ sở hạ tầng được triển khai xây dựng trên địa bàn 11 xã. Các công trình xây dựng đều theo quy hoạch và bảo đảm các trình tự thủ tục cũng như các quy định về xây dựng cơ bản, và nhìn chung đều đạt tiêu chuẩn chất lượng và thiết kế đề ra.

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, việc phát triển và tổ chức lại sản xuất ở các xã nông thôn mới cũng được đặc biệt quan tâm, bởi đây là khâu khó nhất trong xây dựng NTM. Được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo các địa phương đã mạnh dạn chọn từ hai đến ba dự án, điểm trình diễn về sản xuất nông nghiệp để triển khai thực hiện. Nhiều xã đã quan tâm tới việc tổ chức lại các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối đưa tiến bộ kỹ thuật tới nông dân; tổ chức hợp tác với các doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ngoài việc phát triển sản xuất nông nghiệp, các xã bước đầu quan tâm đến việc đào tạo nghề cho nông dân gắn với phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để chuyển dịch cơ cấu lao động, như xã Tân Thịnh thực hiện hai dự án sản xuất mì, đá xẻ thu hút 200 lao động; Gia Phố (Hà Tĩnh) thành lập cơ sở sản xuất muối i-ốt và dây chuyền sản xuất bún tạo việc làm cho gần 100 lao động. Các xã Tân Hội (Lâm Đồng), Thụy Hương (Hà Nội), Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh) mở nhiều lớp tập huấn và dạy nghề gắn với việc hình thành các mô hình sản xuất tiểu - thủ công nghiệp cho lao động nông thôn. Việc các cơ quan khoa học kỹ thuật, các doanh nghiệp trực tiếp tham gia phát triển sản xuất tại các xã điểm cũng mang lại kết quả rõ rệt, trong đó có một số đơn vị như Tập đoàn cao-su, Công ty sữa Vinamilk,... đã đầu tư lớn vào xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và nhất là tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Nhiều xã, như Thanh Chăn (Điện Biên), Tân Thịnh (Bắc Giang), Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh), Hải Đường (Nam Định)... đã ký hợp đồng sản xuất hoặc dịch vụ kỹ thuật chế biến hoặc tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Nhờ phát triển sản xuất giá trị thu được trên một đơn vị diện tích và thu nhập của nông dân đã tăng lên, thậm chí ở một số xã có mức tăng khá, điển hình như Tam Phước (Quảng Nam) giá trị sản xuất đạt 55 triệu đồng/ha. Nhiều xã có mức thu nhập bình quân tăng cao hơn so thu nhập bình quân toàn tỉnh, như các xã Tân Thịnh (Bắc Giang), Mỹ Long Nam (Trà Vinh), Tam Phước (Quảng Nam), Tân Lập (Bình Phước)... thu nhập bình quân đạt 1,2 đến 1,4 lần bình quân toàn tỉnh. Một số xã đã đạt tiêu chí giảm hộ nghèo trước một năm so kế hoạch, như Tân Hội (Lâm Đồng), Tân Thịnh (Bắc Giang), Tân Lập (Bình Phước)...

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân các xã cũng từng bước được cải thiện, an ninh - quốc phòng vững chắc. Ngoài việc xây dựng bổ sung hương ước làng, xã, phần lớn các xã đều coi trọng triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa, và vận động người dân đăng ký thực hiện các nội dung về làng văn hóa, hộ văn hóa, gìn  giữ và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Nhiều xã còn triển khai thực hiện các dự án xử lý rác thải, nước thải, xây dựng khu nghĩa trang tập trung, vận động nhân dân tham gia làm vệ sinh nông thôn, sửa sang đường làng, ngõ xóm, kết hợp với khơi thông hệ thống thoát nước, tổ chức các tổ, hợp tác xã tham gia làm vệ sinh môi trường, trồng mới cây xanh làm hàng rào... tạo cảnh quan thay đổi bộ mặt nông thôn. Điển hình như Hải Đường (Nam Định), Gia Phố (Hà Tĩnh), Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh)...

Mặc dù việc triển khai thực hiện thí điểm xây dựng NTM tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực, nhưng so kế hoạch đề ra trên một số lĩnh vực như phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, chính sách thu hút nguồn lực của các xã còn chậm. Đặc biệt nguồn vốn ngân sách địa phương và việc ưu tiên vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ có mục tiêu cho các xã điểm còn khó khăn vướng mắc, nhất là khâu giải ngân các nguồn vốn. Số xã hoàn thành các tiêu chí của NTM còn ít.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 22-QĐ/TTg ngày 5-1-2010 về phê duyệt đề án phát triển văn hóa nông thôn  đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 193-QĐ/TTg ngày 2-2-2010 về phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng NTM; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 14-6-2010 về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4-6-2010 về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt nhiều nội dung và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện thí điểm xây dựng NTM tại 11 xã điểm đã được nghiên cứu, khẳng định hoặc bổ sung để Chính phủ ban hành Quyết định số 800-QĐ/TTg ngày 4-6-2010 về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Đến cuối năm 2010, phần lớn các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo và văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; 100% số tỉnh, thành phố triển khai việc rà soát đánh giá thực trạng NTM, trong đó 28 tỉnh đã hoàn thành việc rà soát; 34 tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và 20 tỉnh thành lập xong Ban Chỉ đạo cấp xã. Ngoài 11 xã điểm trên cả nước, đã có 60 tỉnh chọn từ ba đến bốn xã để nhân rộng mô hình NTM. Với những chủ trương, chính sách kịp thời của Đảng và Chính phủ, cộng với sự hợp tác xây dựng của các bộ, ngành, địa phương, chắc chắn chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ sớm thành hiện thực./.

Kiều Linh Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com