Học sinh, sinh viên TP Nam Định ra quân hưởng ứng thực hiện Chỉ thị 36/CP của Chính phủ về không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại pháo.
Ảnh:
Thu Thủy
|
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh một số vụ án mạng nghiêm trọng mà nguyên nhân bắt nguồn từ những mâu thuẫn rất nhỏ, thậm chí chỉ từ một hành động bột phát trong cuộc sống hàng ngày. Thực trạng trên đang là sự cảnh báo về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.
Những hành vi ngỗ ngược của một số thanh niên trong vụ án giết người và hành hung lái xe taxi đã khiến người dân thành phố Nam Định hết sức bất bình: Khoảng 22h ngày 25-5-2010, Nguyễn Văn Thiện đang ngồi trong quán phở thấy xe taxi đi từ phố Ngô Quyền ra phố Trần Hưng Đạo (TP Nam Định), liền vẫy tay. Tưởng là khách đi xe, anh Trần Đắc Oanh cho xe chạy chậm lại. Hai bên lời qua tiếng lại, Thiện phóng xe máy đuổi theo tới trước cửa trụ sở Uỷ ban MTTQ tỉnh ép xe taxi của anh Oanh dừng lại, tay cầm điếu cày đến giật cửa xe. Anh Oanh mở cửa xe, lao ra giằng chiếc điếu cày vụt vào tay Thiện. Tức tối Thiện rủ Nguyễn Tuấn Anh đi trả thù. Trong quá trình đi tìm anh Oanh, Thiện và Tuấn Anh đã gặp và hành hung 7 lái xe của hãng taxi Mai Linh, trong đó anh Lê Minh Thắng (SN 1975), thường trú tại số 6/92 phố Ngô Quyền bị bọn chúng đâm trọng thương và chết trên đường đi cấp cứu... Hay như vụ án xảy ra ngày 6-10-2010, nạn nhân là Phạm Văn Quý, 18 tuổi, trú tại xóm 7B, xã Nam Vân (TP Nam Định). Nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn do dắt xe đạp quệt vào nhau lúc tan học tại trung tâm luyện thi Bến Ngự giữa Phạm Xuân Trung (17 tuổi), trú tại tổ dân phố Thịnh Lộc, thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) với Phạm Duy Mạnh (17 tuổi), trú tại xã Nghĩa An (Nam Trực). Sau lần va quệt xe đó, Trung đã gọi thêm 6 thanh niên đến đánh Mạnh. Uất ức vì bị đánh, 19h ngày 6-10-2010, Mạnh rủ 5 thanh niên, trong đó có Quý, đón taxi đến trung tâm luyện thi đánh trả thù. Cuộc ẩu đả không thành vì bị bảo vệ trung tâm phát hiện. Các đối tượng bỏ chạy. Trung rủ Quân truy sát nhóm của Mạnh và gây nên cái chết của Quý... Những người dự phiên toà xét xử vụ án trên đều xót xa cho cả bị cáo lẫn nạn nhân, tất cả đều đang ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ không đáng có nhưng tính bốc đồng, nông nổi của những người trong cuộc đã dẫn tới xô xát, đánh đổi bằng tính mạng con người.
Không chỉ ở khu vực thành phố mà ở khu vực nông thôn, lâu nay vốn rất bình yên cũng đang phải chịu tác động bởi hiện trạng này. Mặc dù diễn ra vào giữa tháng 3-2010 nhưng cho đến nay, người dân ở xã Nam Thắng (Nam Trực) không khỏi bàng hoàng bởi tính chất côn đồ của 8 thanh niên đều ở thôn Đại An trong vụ sát hại anh Nguyễn Văn Cường ở thôn 2, xã Tân Thịnh (Nam Trực) mà nguyên nhân chỉ bởi một cái nhìn được cho là “đểu”. Khoảng 13h ngày 17-3-2010, trên đoạn đường đối diện UBND xã Nam Thắng, khi gặp xe máy của anh Tống Văn Tuấn chở anh Nguyễn Văn Cường (SN 1975) trú tại thôn 2, xã Tân Thịnh (Nam Trực) đi ngược chiều, Phạm Thế Anh đã vô cớ gây sự, cho là anh Cường “nhìn đểu” mình. Thế Anh lấy vỏ chai bia ném về phía anh Cường. Khi anh Cường cầm tô vít đuổi theo thì Thế Anh, Vũ Văn Tuấn đã gọi điện thoại cho Bùi Đức Chiến và Phạm Văn Khương (là bố đẻ Phạm Thế Anh). Khương, Chiến rủ thêm Lâm Văn Được, Chu Văn Huỳnh, Phạm Ngọc Bốn mang hung khí ra cùng Thế Anh và Tuấn chặn đuổi đánh anh Cường. Anh Cường bị dồn đuổi cùng đường phải nhảy xuống ao, nhưng tên Anh và đồng bọn vẫn không buông tha. Dưới ao, tên Anh đã dùng kiếm đâm chém nhiều nhát vào người anh Cường; Tuấn dùng gậy gỗ vụt vào đầu làm anh Cường bị choáng ngất. Sau khi đồng bọn đưa anh Cường từ dưới ao lên bờ, tên Bốn cùng với Khương tiếp tục đánh anh Cường đến bất tỉnh và đã chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do chấn thương sọ não. Từ một mâu thuẫn nhỏ không đang có của một cá nhân đã kéo theo cả những người trong gia đình, bầu bạn còn đang trong tuổi học hành, lao động có ích cho xã hội trở thành tội phạm giết người. Những khuôn mặt cúi gằm của bị cáo trước vành móng ngựa, không thể biện minh được cho những hành động côn đồ của mình, những câu nói lý nhí, ấp úng xin được tha thứ trước tội ác ghê rợn mà chúng đã gây ra không đủ khoả lấp được những hậu quả rất đau lòng. Dù đã ăn năn, hối cải thì cũng quá muộn. Ở một vụ án giết người đau lòng khác nguyên nhân cũng xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong việc chưa trả nợ số tiền 50 nghìn đồng giữa chị Cao Thị T và Trần Văn H cùng ở huyện Giao Thuỷ. Do chưa có tiền trả nợ nên hai bên đã xảy ra xô xát. Tên H hành hung chị T đến chết rồi dìm xác chị xuống sông hòng phi tang...
Từ những vụ án trên đã minh chứng cho thực trạng đáng báo động hiện nay là chỉ vì những mẫu thuẫn nhỏ nhưng đã cướp đi sinh mạng quý giá của con người. Theo nhận định của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tình hình phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên những năm qua có biểu hiện gia tăng và có diễn biến phức tạp, trong đó, nguyên nhân nảy sinh từ những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống ngày càng nhiều. Những vụ án trên đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về đạo đức, lối sống hiện nay của một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức lý tưởng, lối sống cho đối tượng thanh thiếu niên, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, phát hiện ngăn chặn kịp thời những mâu thuẫn phát sinh để hạn chế những hậu quả đau lòng có thể xảy ra./.
Trần Văn Trọng