Cuộc sống ngày càng khá giả nên thú chơi cây cảnh cũng ngày càng phát triển. Có điều, ngày xưa cây cảnh của các bậc tao nhân mặc khách, kẻ sĩ, lão gia... là những chậu cây thế khiêm nhường biểu ẩn, thì nay mốt chơi cây cảnh của các “đại gia” phải là những gốc cây cổ thụ to bự hàng chục, hàng trăm tuổi, gọi là “đại cảnh”. Không chỉ tư gia, trang trại gia đình mà nhiều công sở, cơ quan, trường học... cũng đua nhau tậu “đại cảnh”. Giá mỗi cây sung, vả, sanh, si, đa, lộc vừng, bồ đề, bằng lăng... được coi là “hàng độc” có khi tới vài trăm triệu đồng; cây bình thường rẻ nhất cũng dăm triệu đồng.
Có cầu ắt có cung. Ngày nay dọc các trục đường quốc lộ, nhất là ở khu vực miền Trung, rất dễ dàng nhìn thấy hai bên đường có những đại lý nhà vườn thu mua tập kết “đại cảnh” để cung cấp cho “dân chơi”; kèm theo đó là đội ngũ những người chuyên đi săn lùng khai thác đại cảnh ngày càng đông đảo. Muốn có những cây “đại cảnh” lâu năm, dáng đẹp thì phải luồn theo các bờ sông suối hoặc rừng sâu. Bứng được một cây như thế là phải đào xới một khoảnh đất rộng, chặt phá nhiều cây khác xung quanh. Về bản chất, hành động của những người này chẳng khác gì lâm tặc phá rừng và “khoáng tặc” phá hoại môi trường. Nhưng việc làm của họ gần như được công khai “hợp pháp” bởi đa số những cây “đại cảnh” đều thuộc nhóm gỗ tạp, không bị cấm khai thác; còn việc đào bứng cây tự nhiên thì chưa bị xử lý nghiêm như với lâm tặc, “khoáng tặc”. Việc vận chuyển “đại cảnh” từ miền ngược về miền xuôi, từ nông thôn ra thành thị bằng những chiếc xe tải hạng nặng... đây đó cũng đã có vài vụ bắt giữ, xử lý nhưng hầu như tất cả đều... trót lọt (?). Còn việc sử dụng thì các tập thể và cá nhân coi như... thoải mái(!)
Dân gian có câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Trên thực tế, nạn phá rừng, đào đãi khoáng sản vô tổ chức đã góp phần dẫn đến những đại hoạ như lở đất, lũ quét, lũ ống... ngày càng nghiêm trọng, trong đó có một phần nguyên nhân từ mốt chơi “đại cảnh” đang rầm rộ hiện nay. Gần đây, theo các nhà khoa học thì nạn voi rừng về tấn công người ở một số nơi cũng là sự phản ứng của thiên nhiên đối với hành vi phá hoại môi trường sinh thái của con người. Mong sao, Nhà nước sớm có những chế tài nghiêm khắc và hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn “phong trào” đào bứng cổ thụ đầu nguồn về làm “đại cảnh” để góp phần ngăn ngừa những đại hoạ thiên tai. Trước hết, gia đình cán bộ, công chức, doanh nhân... và công sở nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội... hãy nêu gương không chơi “đại cảnh” có nguồn gốc từ việc đào bứng, khai thác trái quy định!./.