Chị tôi vừa gả chồng cho con gái. Tôi được giữ cái chân phó ban, vừa tiếp khách vừa lo tổ chức hơn 100 mâm cỗ, mệt bã cả người. Chưa được xả hơi thì ngay chập tối hôm ấy anh chị lại gọi tôi đến rồi bảo:
- Sáng mai cậu tìm cho chị chiếc xe loại “xịn” khoảng 20 chỗ ngồi.
Tôi mệt mỏi hỏi: Đám cưới xong xuôi rồi, còn việc gì nữa thế hả chị ?
Anh tôi phân bua:
- Cậu cứ lơ nga lơ ngơ như người trên trời rơi xuống ấy. Đi ăn “lại mặt” chứ còn đi đâu nữa. Cậu lại được chị tín nhiệm giao chức phó đoàn đấy.
Tôi giãy nảy kêu lên:
- Ối giời ơi ! Từ xưa đến nay em chả thấy nhà nào đi ăn lại mặt mà đông đến thế. Làng mình đám nào đi đông nhất cũng chỉ đến dăm bảy người là cùng. Anh chị không sợ thiên hạ người ta cười cho à. Ba xe máy, sáu người đi là được rồi.
Chị tôi bực mình:
- Cậu đúng là người “âm lịch”, cho đến bây giờ mà cậu cứ ngày xửa ngày xưa mãi. Đi ăn lại mặt, mà chỉ đi ba xe máy. Thế thì nhà trai họ đánh giá mình thế nào?
Tôi cự lại:
- Vẫn biết thế, nhưng cái gì nó cũng có giới hạn, có chừng có mực. Mình phải theo tập quán địa phương. Phải thực hiện hương ước của làng. Ai lại ngần ấy người đi ăn lại mặt, không những dân làng cười mà họ nhà trai, chắc họ cũng ngạc nhiên lắm đấy.
Mặc tôi phản ứng. Anh chị tôi vẫn quyết chiếc xe “xịn” 20 chỗ ngồi. Nhà trai cách nhà chị tôi chừng vài chục cây số. Sáng hôm lên đường mọi người ăn mặc thật diện. Đến cổng nhà trai, chúng tôi xuống xe đi thành một hàng dài. Hình như các thành viên trong đoàn ai cũng thấy có vẻ gì oai oai trong bộ trang phục của mình. Nhưng vào đến nhà bỗng dưng tôi thấy ngượng. Vì họ nhà trai tuy nhiều người đi công tác có chức sắc lắm, nhưng ai cũng ăn mặc rất chân quê, chứ không lòe loẹt như chúng tôi. Ngắm lại đội hình của mình mà thấy ngượng, nữ thì như diễn viên chèo, nam thì nhiều người áo kẻ to tướng với cái kính râm, mũ phớt. Như thế chả ngượng sao được. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm đi, vì ai cũng nghĩ “hai nhà như một” rồi. Hai họ đang trò chuyện vui vẻ thì các mâm cỗ đã được bày ra. Tôi đếm vội cũng khoảng 15 mâm. Chết thôi. “Lại mặt” mà vẽ vời nhiều thế. Bữa rượu gần tàn, tôi thấy mâm nào cũng gọi thêm rau với nước canh, còn thức ăn vẫn đầy nguyên. Có lẽ thực khách ai cũng mệt nhoài vì đã ăn cỗ cả tuần nay rồi.
Đi ăn “lại mặt” về, cứ thấy ám ảnh một nỗi buồn. Buồn vì tục lệ ăn cỗ lại mặt bây giờ có chiều hướng gia tăng. Vui chưa thấy đâu, nhưng gây nhiều phiền phức và tốn kém quá./.
Theo: Nhandan.com.vn