Nằm ở trung tâm TP Nam Định, trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp được Bộ Công Thương xác định là đơn vị trọng điểm, đào tạo đa cấp, đa ngành, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho các tỉnh khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo đồng thời 4 hệ: đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề thuộc 15 chuyên ngành, gồm hơn 30.000 học sinh, sinh viên.
Khu giảng đường Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định. |
Trong công tác tuyển sinh, nhiều năm qua nhà trường duy trì đào tạo đa hệ đồng thời phối hợp với một số doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh liên thông dạy nghề theo nhu cầu thực tế nên số lượng sinh viên không ngừng tăng lên. Năm 2010, Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh 2.800 sinh viên đào tạo đại học chính quy, trong đó nguyện vọng I đăng ký đã có hơn 30.000 hồ sơ đạt tỷ lệ 1/10 nên nhà trường dễ dàng chọn được thí sinh chất lượng vào học tập. Cùng với bậc đại học, nhà trường đã tiếp nhận 3.000 hồ sơ vào học cao đẳng, 7.200 hồ sơ học trung cấp chuyên nghiệp và liên thông các hệ… Đảng bộ và Ban giám hiệu nhà trường xác định đội ngũ giáo viên luôn có vai trò quyết định đến chất lượng đào tạo nên đã xây dựng chiến lược tuyển dụng cán bộ, giảng viên mới phù hợp với xu thế phát triển. Người dự tuyển phải có trình độ Thạc sỹ đúng chuyên ngành hoặc tốt nghiệp đại học chính quy bằng khá trở lên đồng thời có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, có phẩm chất đạo đức nhà giáo, có phương pháp giảng dạy tốt và sử dụng thành thạo các thiết bị dạy học hiện đại... Nhà trường có chính sách “chiêu hiền, đãi sỹ”, sẵn sàng tiếp nhận người có học vấn, trình độ cao, tâm huyết với nghề, gắn bó với nhà trường. Đối với đội ngũ giáo viên trong trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu luôn khuyến khích, tạo điều kiện tối đa về thời gian cũng như hỗ trợ kinh phí để giảng viên tự học tập nâng cao kiến thức. Giảng viên đi học được giảm 50% khối lượng tiết dạy, thanh toán học phí theo quy định, đồng thời hỗ trợ 20 triệu đồng với người tốt nghiệp Tiến sỹ, 2 triệu đồng với người tốt nghiệp Thạc sỹ. Đồng thời, nhà trường chỉ bố trí giảng viên có trình độ Thạc sỹ trở lên hoặc giáo viên trình độ đại học nhiều năm kinh nghiệm mới được tham gia giảng dạy đại học. Đó vừa là yêu cầu bắt buộc, đồng thời là động lực thúc đẩy cán bộ, giảng viên tích cực học tập. Hiện nhà trường đang có 220 trong tổng số 630 cán bộ, giảng viên theo học nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước. Từ những chính sách chăm lo hợp lý nên đến nay, nhà trường đã có 75% cán bộ, giảng viên có trình độ trên đại học, trong đó có 39 Tiến sỹ và nghiên cứu sinh, 365 Thạc sỹ…
Trong công tác đổi mới chương trình bài giảng và phương pháp dạy học, Đảng bộ, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo phù hợp theo hướng giảm tỷ lệ tiết học lý thuyết, tăng giờ thực hành, lựa chọn kiến thức mới phù hợp với ngành nghề và tiến bộ khoa học công nghệ. Trường luôn tận dụng cơ sở vật chất hiện có để học sinh, sinh viên sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị tiêu thụ trên thị trường góp phần khẳng định tay nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường đã tập trung tu sửa 150 phòng học, 45 phòng thí nghiệm đạt chuẩn về ánh sáng, thông gió và trang thiết bị giúp sinh viên học tập tốt nhất. Hiện nay, trường đang đầu tư xây dựng tòa nhà giảng đường trung tâm 15 tầng với 70 phòng học, có khả năng giảng dạy cho 10.000 học sinh, sinh viên một ca. Công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2011, chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập trường…
Từ những bước đi vững chắc, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp đang không ngừng xây dựng trường trở thành đơn vị vững mạnh về chất lượng, đẹp về cảnh quan, góp phần tạo nên diện mạo mới cho Thành Nam đang được tập trung đầu tư, xây dựng để trở thành đô thị loại I trong tương lai không xa./.
Bài và ảnh: Xuân Thu