Tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010 - 2015

09:12, 20/12/2010
Thạc sỹ  NGÔ QUANG AN
v
Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ,
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau đó 4 tháng, ngày 31-12-1945, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 78/SL thành lập Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch, kiến thiết - tiền thân của ngành Kế hoạch và Đầu tư hiện nay. Sau đó, hệ thống cơ quan kế hoạch quốc gia phát triển từ Trung ương đến địa phương trên miền Bắc, trong đó có cơ quan Kế hoạch của tỉnh Nam Định được thành lập.

Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, cùng với ngành Kế hoạch và Đầu tư cả nước, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định đã có những bước tiến quan trọng, luôn kịp thời tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh về các chiến lược; quy hoạch; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm, vận dụng và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách chung và một số lĩnh vực cụ thể của Nhà nước vào địa phương như đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài; tham mưu quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); đấu thầu, thành lập phát triển doanh nghiệp và khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua các thời kỳ.

Trong những năm từ 1955 đến 1960, nhiệm vụ trọng tâm của Uỷ ban Kế hoạch là tham mưu cho tỉnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1955-1957) và kế hoạch 3 năm cải tạo xây dựng cơ sở vật chất kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống dân cư (1958-1960). Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất cùng với các tỉnh của miền Bắc, chúng ta tiến hành xây dựng CNXH và thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, xây dựng các công trình lớn, hình thành một bước cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế mới và quan hệ sản xuất mới, sở hữu quốc doanh và tập thể chiếm ưu thế tuyệt đối. Những kết quả của kế hoạch 5 năm 1961-1965 có ý nghĩa quan trọng, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, tạo tiền đề cho công tác kế hoạch của tỉnh, góp phần cùng với các tỉnh miền Bắc thực hiện công tác chuẩn bị và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thời kỳ 1965-1975 là thời kỳ hợp nhất tỉnh Nam Hà. Ngành Kế hoạch của tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch kinh tế thời chiến, kế hoạch tuyển quân, kế hoạch hậu cần cho miền Nam nhằm mục tiêu đáp ứng cao nhất yêu cầu vừa sản xuất vừa chiến đấu, bảo vệ thành quả CNXH đã giành được, góp phần chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam; chuẩn bị các dự án phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH của thành phố, thị xã và các nơi trong tỉnh bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt trong giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thời kỳ này, công tác kế hoạch của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, góp phần cùng các tỉnh miền Bắc phục vụ cho mục tiêu chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau giải phóng miền Nam, trong 10 năm 1976-1985 là thời kỳ hợp nhất tỉnh Hà Nam Ninh, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kế hoạch là tham mưu cho tỉnh nghiên cứu, tổng hợp và xây dựng các kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980), kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985), nhằm cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của chặng đường đầu tiến lên CNXH. Ngành Kế hoạch của tỉnh đã tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu định hướng chiến lược và các biện pháp lớn thực hiện kế hoạch như: Nghiên cứu tổ chức lại sản xuất, xã hội, phân bổ lại lực lượng sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tổ chức nghiên cứu quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế. Cải tiến công tác quản lý, trọng tâm là cải tiến công tác kế hoạch hoá. Tham gia cụ thể các nội dung nhằm tăng cường hiệu lực của bộ máy Nhà nước, trước hết là trong quản lý kinh tế, phân biệt rõ ranh giới giữa quản lý hành chính kinh tế và quản lý sản xuất kinh doanh. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ này đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định đời sống nhân dân; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu; tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất, cùng cả nước đáp ứng các nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh trật tự.

Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, chuyển đổi cơ chế từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; chuyển nền kinh tế mang nặng tính tự cung, tự cấp sang nền kinh tế mở cửa với bên ngoài, phát triển kinh tế nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu...; mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng còn nhiều khó khăn, yếu kém; nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh và của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, ngành Kế hoạch tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng, phấn đấu vươn lên về chất lượng công tác chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức bộ máy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 4 (1986-1990) đã nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2000 cùng ba chương trình kinh tế lớn về lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu được triển khai vào từng phần kế hoạch. Giảm mạnh việc bao cấp, bù lỗ vốn kinh doanh cho xí nghiệp và bù lỗ tiêu dùng qua giá, chuyển dần cấp phát ngân sách cho đầu tư sang tín dụng. Trong nông nghiệp, Nghị quyết 10 năm 1988 (khoán 10) của Bộ Chính trị đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh dần dần được thừa nhận và hợp thức hoá bằng pháp luật.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 5 (1991-1995) với mục tiêu tổng quát là ổn định tình hình kinh tế - xã hội và chính trị, sớm thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và lạm phát, tạo tiền đề đẩy nhanh sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Năm 1992 tái lập lại ngành Kế hoạch tỉnh Nam Hà, cơ quan kế hoạch tỉnh đã tham mưu cho tỉnh nhanh chóng ổn định nền kinh tế và tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư theo chiều sâu, hiện đại hoá các cơ sở kinh tế, nhất là các cơ sở làm hàng xuất khẩu và tiếp tục đổi mới một cách đồng bộ cơ chế quản lý Nhà nước và cơ chế quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển hẳn sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch và chính sách. Chủ động cùng các ngành trong tỉnh, các huyện và thành phố Nam Định nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của tỉnh, được Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành Trung ương thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt.

Ngày 01-11-1995, theo Nghị định 75/CP của Chính phủ, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước được đổi tên thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đến năm 1997 ngành Kế hoạch tỉnh Nam Định được tái lập và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 6 (1996-2000). Ngay sau khi tái lập, cơ quan kế hoạch đã khẩn trương nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ mục tiêu chủ yếu kế hoạch 5 năm 1996-2000 phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV với mục tiêu tổng quát là huy động sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế, tận dụng mọi lợi thế của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế văn hoá - xã hội, tạo tiền đề cần thiết cho giai đoạn phát triển cao hơn sau năm 2000. Mặc dù năm 1998 do tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, có nhiều khó khăn chưa lường hết nhưng những mục tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm cơ bản hoàn thành, một số chỉ tiêu vượt cao. Ngoài ra, ngành Kế hoạch còn được giao chủ trì, cùng các ngành tham mưu nghiên cứu xây dựng Quy hoạch phát triển vùng kinh tế của tỉnh đến năm 2010 đã được UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng các chuyên đề phục vụ triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII về chuyển dịch cơ cấu đầu tư và sắp xếp, đổi mới DNNN của tỉnh. Tham gia nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết 5 của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII. Chủ trì cùng các ngành trong Ban chỉ đạo đổi mới DNNN của tỉnh tham mưu nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp được Chính phủ phê duyệt.

Kế hoạch 5 năm 2001-2005, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu xây dựng nhiều chương trình kinh tế và cơ chế chính sách về phát triển các khu, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp đổi mới DNNN, thực hiện đưa các chính sách, pháp luật mới vào đời sống kinh tế - xã hội và đời sống doanh nghiệp. Đã hoàn thành một số công trình lớn, trọng điểm góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh: Khu công nghiệp Hoà Xá quy mô 327ha được hình thành và lấp đầy; 15 cụm công nghiệp - làng nghề ở các huyện; Khu đô thị mới Hoà Vượng; Nhà máy chế biến rác công suất 250 tấn/ngày; dự án thoát nước FA2, FA3; Sân vận động Thiên Trường quy mô 25 ngàn chỗ ngồi. Kế hoạch 5 năm 2001-2005 đã hoàn thành tốt với hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. GDP tăng bình quân 7,65%/năm (chỉ tiêu tăng 7,0-7,5%), trong cơ cấu kinh tế tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 65,5%. Hoạt động văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục - đào tạo liên tục duy trì phát triển và là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có bước cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 14,5% năm 2000 xuống 6,8% năm 2005.

Kế hoạch 5 năm 2006-2010 của tỉnh được thực hiện trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn, tình hình chính trị - xã hội trong tỉnh ổn định, các tầng lớp nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu diễn ra sâu rộng đã tác động bất lợi đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Trong tỉnh, thiên tai nhất là bão lũ, dịch bệnh ở người và cây trồng, vật nuôi liên tiếp xảy ra; lạm phát liên tục tăng cao đã ảnh hưởng xấu đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Trước tình hình đó ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu bám sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, phối hợp với các ngành liên quan để xây dựng và đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch hàng tháng, hàng quý. Tích cực huy động các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển và chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung vào các mục tiêu nhiệm vụ phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của nhân dân, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, xóa đói giảm nghèo...

Trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó có những khó khăn, thách thức gay gắt vượt xa so với dự báo, kế hoạch 5 năm 2006-2010 có 11/18 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Xây dựng mới một số công trình hạ tầng quan trọng có tác động lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn. Thành phố Nam Định đã và đang tập trung đầu tư phát triển thành đô thị trung tâm của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng và thành phố loại I trực thuộc tỉnh. Các lĩnh vực văn hoá xã hội được quan tâm chăm lo, chú trọng giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

*    *

*

Cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn luôn được củng cố, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ được giao nhằm đáp ứng tốt nhất cho các yêu cầu nhiệm vụ, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh. Đội ngũ cán bộ của ngành Kế hoạch và Đầu tư nhìn chung được đào tạo cơ bản, có phẩm chất đạo đức, trung thành với lý tưởng của Đảng và dân tộc, nhiều đồng chí cán bộ của cơ quan, qua các thời kỳ đã được rèn luyện trong thử thách khắc nghiệt trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Các đồng chí liệt sỹ Nguyễn Ngọc Đồng; liệt sỹ Trần Sĩ Nhụ đã anh dũng hy sinh tại chiến trường, trong đó đồng chí liệt sỹ Nguyễn Ngọc Đồng đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước năm 2009. Nhiều đồng chí lãnh đạo của ngành Kế hoạch và Đầu tư qua các thời kỳ đã phát triển trở thành những lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và một số bộ, ngành Trung ương.

Với những thành tích đóng góp trong 65 năm qua, cán bộ, công nhân viên chức và cơ quan Kế hoạch và Đầu tư Nam Định đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; và nhiều huân, huy chương; bằng khen và cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh.

Ngành Kế hoạch và Đầu tư Nam Định có được những thành tích trên đây, trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh; của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan, cùng các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị, đoàn thể trong tỉnh đã thường xuyên phối hợp, động viên.

Hướng vào việc thực hiện các mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành Kế hoạch và Đầu tư cùng với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh đang tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010-2015 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Tiếp tục cụ thể hoá các nội dung của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến 2020 và tìm các giải pháp hữu hiệu để thực hiện kế hoạch 5 năm 2010-2015, phấn đấu đạt tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững. Tạo những đột phá mới để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trọng tâm là công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trải qua chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kế hoạch và Đầu tư Nam Định qua từng thời kỳ đã kế thừa và phát huy được truyền thống của ngành từ những ngày đầu được thành lập; luôn luôn xứng đáng với lòng tin cậy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com