Giáo dục mầm non (GDMN) đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em. Tuy nhiên, những vụ việc bạo hành trẻ hoặc trẻ mầm non được chăm sóc ở những cơ sở tạm bợ cho thấy nhu cầu gửi trẻ ngày càng nhiều nhưng các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là cơ sở vật chất hiện nay không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Học sinh trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định) trong giờ chơi.
Ảnh:
Minh Thuận
|
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), kết thúc năm học 2009-2010, cả nước có 12.357 trường mầm non (trong đó có 5.322 trường ngoài công lập) với tổng số 123,5 nghìn phòng học. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, cả nước vẫn còn hơn 54 nghìn phòng học bán kiên cố và hơn 15,3 nghìn phòng học tạm. Mạng lưới trường, lớp mầm non chưa đủ để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các vùng, miền, cơ hội đến trường của nhiều trẻ em miền núi vùng sâu, vùng xa là ít. Trong khi đó, ở một số tỉnh, nhất là khu vực các thành phố, khu công nghiệp, việc xây dựng quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị chưa gắn với quy hoạch đất đai để xây dựng trường, lớp mầm non, dẫn đến tình trạng một số trẻ em ở lứa tuổi mầm non ở đây không được đến trường. Bên cạnh đó, chất lượng chăm sóc GDMN hạn chế, nhất là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN hiện nay. Nhiều nơi nhóm lớp mầm non tư thục tận dụng nhà ở, nhà thuê, thiếu nhiều trang thiết bị và phòng lớp không đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Thậm chí nhiều điểm trông giữ trẻ mở "chui", vừa thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị, vừa thiếu phương pháp sư phạm chăm sóc trẻ...
Những hạn chế, yếu kém trong GDMN xuất phát ngay từ nhận thức chưa đầy đủ của chính quyền các cấp, của các bậc cha mẹ, của xã hội về vai trò, vị trí của GDMN; chưa quan tâm nguyện vọng và lợi ích của trẻ em. Tuy quan điểm phát triển GDMN đã được xác định rõ trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước, nhưng việc bố trí nguồn vốn riêng để thực hiện phát triển GDMN hạn chế, dẫn đến thiếu cơ sở vật chất, là nguyên nhân trực tiếp làm cho chất lượng GDMN còn yếu kém.
Để phát triển GDMN, giảm tình trạng trẻ không được đến lớp hoặc học tập trong điều kiện tạm bợ, trong các lớp giữ trẻ tự phát... cần phát triển quy mô, mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp yêu cầu và tình hình thực tế. Bộ GD và ĐT đã ban hành Thông tư về Chương trình giáo dục mầm non triển khai từ năm học 2009 - 2010 theo tình hình thực tế của các địa phương bảo đảm lộ trình đến năm 2012 hoàn thành việc triển khai đại trà trong phạm vi cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng GDMN. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học; xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn và các công trình phụ trợ bảo đảm điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ trong các trường, lớp mầm non. Chính quyền các cấp quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đầu tư ngân sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường, lớp, mở rộng quy mô GDMN, phấn đấu đạt mục tiêu chung về tỷ lệ trẻ đến trường, lớp, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn ...
Các cơ sở GDMN chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Đặc biệt, ngành GD và ĐT cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở GDMN; xử lý nghiêm những điểm trông giữ trẻ tự phát không bảo đảm yêu cầu; hạn chế đến mức thấp nhất giáo viên vi phạm đạo đức, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.
Xuân Kỳ