Rèn luyện kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên

09:12, 10/12/2010

Thói quen bao bọc con cái quá mức của nhiều cha mẹ khiến con cái thụ động, phụ thuộc, hạn chế khả năng hòa nhập cuộc sống cộng đồng hoặc thiếu khả năng thích nghi trong các môi trường lạ dẫn đến lúng túng, khó khăn trong việc tổ chức cuộc sống, thậm chí sa ngã cũng đang là vấn đề nhiều phụ huynh gặp phải.

Sau 6 tháng con trai sang Mỹ du học, chị Hoa, cán bộ một ngân hàng lớn không khỏi bất ngờ khi nhận được thư của anh trai khuyên nên cho Hoàng, con trai chị về nước để học thêm những kỹ năng sống cần thiết rồi sẽ sang học tiếp cũng chưa muộn. Thì ra cậu con trai sang Mỹ không hề hư hỏng, đua đòi, mà mắc phải lỗi “không biết tự lo cho bản thân”, từ việc tự nấu ăn, sắp xếp thời gian công việc khoa học... Ông anh cho biết, ở Mỹ, nếu thuê người giúp việc làm việc theo giờ thì ngoài trả tiền công, ông lại phải đóng thuế với số tiền cao hơn cả số tiền công phải trả. Và dù gia đình có đủ kinh phí để lo cho cậu thì đó cũng là việc không nên làm vì cậu cần phải rèn luyện khả năng tự lập thì việc học tập ở đây mới hiệu quả được. Đến lúc này vợ chồng chị Hoa mới vỡ lẽ và nhận thấy khiếm khuyết trong cách giáo dục con của mình: Vì là con một, Hoàng được cưng như trứng mỏng, không phải làm bất cứ việc gì ngoài những việc cá nhân thiết yếu. Thậm chí việc đi tắm, gội đầu mẹ cũng phải giục giã, chuẩn bị cho cậu, pha cốc sữa cậu cũng không phải làm. Sợ con bị bạn bè xấu rủ rê lôi kéo nên bố mẹ sắm cho cậu mọi thứ từ máy tính xịn nhất, Internet, thuê giáo viên giỏi đến dạy tại nhà. Không phụ lòng cha mẹ, Hoàng học giỏi, ngoan đúng như cha mẹ cậu mong muốn nhưng thành ra lại chưa đủ trong cuộc sống. Nghe lời khuyên của người anh, bố mẹ Hoàng cho con về nước. Sau 3 tháng hè Hoàng được bố mẹ gửi tham gia hoạt động ở các văn phòng từ thiện. Qua các chuyến đi thực tế, cậu đã được tự làm những việc của mình mà khi ở nhà mẹ thường phải giúp. Hoàng đã tự tin trở lại Mỹ tiếp tục du học.

Đội viên thiếu niên trường tiểu học thị trấn Lâm (Ý Yên) tham gia dọn vệ sinh môi trường.  Ảnh: Xuân Thu
Đội viên thiếu niên trường tiểu học thị trấn Lâm (Ý Yên) tham gia dọn vệ sinh môi trường.
Ảnh: Xuân Thu

Lứa tuổi thanh, thiếu niên đang trong quá trình hình thành nhân cách, chưa đủ bản lĩnh để phân định đúng sai, nhất là trong các trường hợp nhạy cảm, thêm vào đó là đặc tính tâm lý tò mò, hiếu động, ưa khám phá, dễ bị tác động, lôi cuốn hùa theo đám đông. Bậc làm cha mẹ nhiều người dù muốn cũng khó để vừa làm cha mẹ, vừa làm bạn, làm người thầy của con cái mình khi mà họ gần như bó tay trước tác động của Internet. Phối hợp cùng gia đình, nhà trường trong việc giáo dục thanh, thiếu niên còn có các tổ chức Đoàn, Đội, Hội với nhiều hoạt động truyền thông, CLB… nhưng hình thức, nội dung, thời lượng hoạt động còn hạn chế, chừng mực và số lượng thu hút chưa nhiều nên hiệu quả chưa cao. Chị Nguyễn Thu Hường (thành phố  Nam Định) kể: Hè vừa qua chị cho con gái, học sinh lớp 3 lên Hà Nội chơi với chị con nhà bác. Hai chị em được đăng ký cho đi học lớp kỹ năng sống trong 3 tuần. Sau hè về, chị thấy con gái tiến bộ hẳn với những cách ứng xử rất độc lập, tự tin nhưng không vượt quá giới hạn lứa tuổi. Và bản thân chị cũng học được thêm nhiều về cách ứng xử, trò chuyện và giáo dục con, nghiêm khắc nhưng không cứng nhắc, khuôn mẫu. Chị cho biết đã tìm hiểu được biết ở Hà Nội thường xuyên có các lớp học về kỹ năng sống dành cho mọi lứa tuổi, giới tính, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chị ước giá như các lớp học kiểu này cũng được tổ chức ngay tại Nam Định thì tốt biết mấy.

Tục ngữ có câu “Yêu cho roi cho vọt”, “Thuốc đắng giã tật”. Sự nghiêm khắc đúng  lúc, đúng chỗ là hết sức cần thiết và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là giáo dục thanh, thiếu niên. Sự nghiêm khắc, thái độ đúng mực của người lớn, của công luận trước những sai lầm, thiếu sót của tuổi trẻ là hết sức cần thiết trong việc định hướng lối sống cho thanh thiếu niên. Rèn luyện, trang bị kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên là vấn đề cần được người lớn, cả cộng đồng quan tâm vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh cả về sức lực, trí tuệ, tâm hồn./.

Trần Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com