Phát triển sâu rộng hàng Việt về nông thôn

09:12, 31/12/2010

Tính đến cuối tháng 12-2010, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HDNHVNCLC) cùng với Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức được 54 phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Trong đó có 36 phiên nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công Thương, 18 phiên còn lại do BSA phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp (DN) tiến hành dựa trên yêu cầu thực tế.

Phát triển hàng Việt  cả bề rộng và bề sâu

Đến nay, chương trình đã đi qua 53 huyện của 21 tỉnh thành trong cả nước, từ Lạng Sơn đến Cà Mau, thu hút hơn 800.000 lượt người tham quan và mua sắm trực tiếp, đạt tổng doanh thu 42,3 tỷ đồng.

Một cửa hàng bán chăn, ga, gối đệm ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Ảnh: THANH THỦY
Một cửa hàng bán chăn, ga, gối đệm ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Ảnh: THANH THỦY

Nếu giai đoạn một của chương trình hàng Việt về nông thôn nhằm giới thiệu, quảng bá hàng Việt tại thị trường nội địa, thì sau khi kết thúc chương trình xúc tiến thị trường trong nước với Bộ Công Thương, HDNHVNCLC phối hợp với BSA bắt đầu tiến hành giai đoạn 2 của chương trình phát triển thị trường nội địa của mình với các hoạt động vừa mang tính chiều rộng, vừa mang tính chiều sâu. Cụ thể, hai đơn vị tiếp tục tổ chức chuỗi phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, thử nghiệm xây dựng các chợ nhỏ, các cửa hàng chuyên bán hàng Việt ở nông thôn. Song song đó, hỗ trợ các tỉnh tổ chức huấn luyện kỹ năng buôn bán cho các nhà phân phối, bán lẻ tại các địa phương. Một trong những hoạt động mang tính chiều sâu là tiến hành vẽ bản đồ phân phối các tỉnh để chuyển giao thông tin và hướng dẫn DN xây dựng mạng lưới chân rết lâu dài của hàng Việt tại các các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, từ thực tế cạnh tranh của thị trường, HDNHVNCLC đã nghiên cứu và vừa khởi động một dự án mới: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới và được thực hiện trong 3 năm bắt đầu từ 2011.

Phát triển hàng Việt về nông thôn vẫn cần sự hỗ trợ

Tuy có nhiều cố gắng để đưa hàng Việt về thị trường nông thôn, song theo nhận xét của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư), hiện nay tại thị trường nông thôn, hàng hóa của DN nước ta chưa có vị trí vững chắc trong nhận thức của người dân và phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nhập khẩu. Các DN thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đóng gói, bán lẻ Việt Nam chưa liên kết chặt chẽ như một chuỗi liên hoàn cung ứng khép kín từ khâu nguyên vật liệu cho đến thành phẩm để đưa đến tay và thỏa mãn nhu cầu khách hàng.

Có lẽ cũng nhận ra các khó khăn và hạn chế của DN Việt khi tham gia đưa hàng về nông thôn nên HDNHVNCLC cũng đã có các kiến nghị đối với Nhà nước. Theo đó, Nhà nước tập trung kịp thời và mạnh mẽ việc hỗ trợ DN trong các lĩnh vực hoạt động mà quy định WTO không cấm. Thực tế, đây đang là các nhu cầu bức xúc của DN như cung cấp thông tin thị trường, tổ chức huấn luyện, đào tạo, tổ chức các sự kiện quảng bá, tiếp thị chung cho hàng Việt (mà dạng các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là hiệu quả, nhưng cần giám sát chất lượng và tổ chức thường xuyên, liên tục). Để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, Nhà nước thực thi hiệu quả hơn việc ngăn chặn, chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không xuất xứ…. Đặc biệt Nhà nước cũng cần có chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới, nhằm giảm điểm yếu thế của hàng Việt, đồng thời hỗ trợ tiếp tục phát triển thị trường nông thôn.

Bên cạnh đó, để chương trình hàng Việt về nông thôn đạt hiệu quả, lực lượng truyền thông cần hỗ trợ thiết thực và có chiều sâu hơn nữa việc thông tin, thuyết phục người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt và giám sát nỗ lực của DN./.

Tấn Hùng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com