Đáp ứng yêu cầu học tập của nhiều đối tượng trong cộng đồng dân cư, từ năm 1999, tỉnh ta đã bắt đầu xây dựng trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Sau 10 năm đi vào hoạt động, các TTHTCĐ ở các xã thị trấn đã trở thành ngôi nhà chung của mọi người dân. Thông qua mô hình TTHTCĐ, những kiến thức khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, pháp luật... đã được cập nhật đến từng người dân một cách giản tiện. Mô hình TTHTCĐ đã phát huy nội lực của từng địa phương và tận dụng được trí tuệ cộng đồng thông qua việc sử dụng giảng viên là những người có tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm sản xuất ngay trong làng, xã…, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ mọi mặt cho nhân dân. Trung bình mỗi năm, đã có khoảng 500 nghìn lượt người được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kỹ năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống, đạt 37,6% tổng số lao động trong tỉnh. Ở nhiều TTHTCĐ, hiệu quả của các lớp dạy nghề đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho mỗi lao động nông thôn từ 500 nghìn lên 700 nghìn đồng mỗi tháng. Riêng tại huyện Hải Hậu, các lớp chuyên đề về nghề nông, thủ công nghiệp, dịch vụ đã tạo điều kiện cho hơn 6.000 lao động tìm được việc làm. Trong 4 năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã huy động trung bình mỗi năm từ 30 nghìn đến 35 nghìn lượt người tham gia học chuyên đề tại các TTHTCĐ; huyện Trực Ninh, huyện Ý Yên mở trên 10 nghìn lớp chuyên đề với trên dưới 50 nghìn lượt người đến học… Hầu hết các TTHTCĐ trong tỉnh còn tổ chức được các hoạt động phong phú, thích hợp như câu lạc bộ dưỡng sinh, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, kết hợp với hoạt động của Hội Khuyến học trong khuyến học, khuyến tài, khuyến khích xây dựng “Gia đình hiếu học’’, “Dòng họ khuyến học’’, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vấn đề giới và bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao giữa các địa phương. Các TTHTCĐ cũng đã góp phần quan trọng trong việc duy trì kết quả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ cho những người trong độ tuổi lao động, nâng cao tỷ trọng và tỷ lệ phổ cập tiểu học của các địa phương, nhất là các huyện ven biển. Năm học 2005-2006, số người được công nhận biết chữ là 415 người, đến năm 2009-2010, có 246 người trong độ tuổi từ 15 đến 35 ra lớp xóa mù chữ, 135 người ra lớp giáo dục sau biết chữ. Loại hình văn hóa, văn nghệ cũng đã thu hút hơn 2.000 học viên…
Một buổi dạy nghề nông cho học viên tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Nam Điền (Nghĩa Hưng).
Ảnh:
Xuân Thu
|
Tuy nhiên, là một cơ sở giáo dục đào tạo không chính quy, các TTHTCĐ hiện gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu thành lập, mỗi trung tâm được tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng để tổ chức hoạt động nhưng những năm gần đây, do không có địa điểm, kinh phí hoạt động, không có cán bộ chuyên trách (người phụ trách trung tâm đều là cán bộ xã, phường, thị trấn làm kiêm nhiệm, lại thường xuyên có sự thay đổi, luân chuyển cho nên việc nắm bắt nhu cầu học tập của nhân dân còn hạn chế), thiếu đội ngũ giáo viên cơ hữu… nên hầu hết các trung tâm đều phải tận dụng tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa thôn, xóm làm lớp học. Các trang thiết bị, học liệu phục vụ học tập theo các chuyên đề đều thiếu nên khi tổ chức các hoạt động, các trung tâm phải tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể và các dự án phát triển tại địa phương như tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, pháp luật, y tế, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… Những địa phương có nguồn ngân sách khá, có lợi thế về phát triển ngành nghề, dịch vụ thì TTHTCĐ được hỗ trợ kinh phí hoạt động, tổ chức được nhiều lớp học, nhưng cũng chưa thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy phục vụ cho phát triển kinh tế tại địa phương. Vì vậy, các hoạt động, các chương trình học tập của trung tâm phần lớn đều nghèo nàn, chủ yếu là các nội dung như phổ biến pháp luật, văn nghệ, thể thao, triển khai kế hoạch mùa vụ, phòng trừ sâu bệnh… Để TTHTCĐ phát triển bền vững, có hiệu quả, các trung tâm mong muốn tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần có sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên giữa các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội thông qua việc xây dựng, ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể. Bên cạnh đó, các TTHTCĐ cần phát huy nguồn lực của toàn xã hội trong đó bao gồm cả ngân sách địa phương, hỗ trợ của Trung ương, của các tổ chức, cá nhân trong việc lồng ghép các chương trình để thu hút ngày càng đông học viên và để các kiến thức được đào tạo có thể áp dụng vào thực tiễn một cách có hiệu quả./.
Hồng Minh