Nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục bậc THCS

09:12, 20/12/2010

Năm 1999, tỉnh ta là một trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Trên cơ sở đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến năm 2001, tỉnh ta tiếp tục triển khai phổ cập THCS và đến nay đã đạt mục tiêu phổ cập THCS với chất lượng phổ cập ngày càng được củng cố vững chắc.

Cô giáo Trần Thị Kim Anh, giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong giờ lên lớp.  Ảnh: Xuân Thu
Cô giáo Trần Thị Kim Anh, giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong giờ lên lớp.
Ảnh: Xuân Thu

Để thực hiện tốt mục tiêu phổ cập, từ năm học 2000-2001, các trường học đã được tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.  Riêng năm học 2009-2010, từ nguồn ngân sách trái phiếu Chính phủ, bậc tiểu học đã xây mới 139 phòng học, bậc THCS xây mới 70 phòng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh. Việc xây dựng thư viện theo hướng đạt chuẩn quốc gia cũng được ngành quan tâm chỉ đạo. Đến nay, bậc THCS có 75/166 thư viện đạt chuẩn quốc gia. Ngành GD-ĐT đã cung ứng cho thư viện các trường các loại tạp chí với số lượng lớn cung ứng các thiết bị dạy học theo số lượng 8 người/thiết bị, cung ứng sách giáo khoa, sách tham khảo cho giáo viên và học sinh trị giá hàng tỷ đồng. Là tỉnh đi đầu trong việc gắn công tác phổ cập với xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay toàn tỉnh đã có 275 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 42 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; có 85/245 trường THCS (34,69%) và 11/54 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Số trường học được xếp loại trường học thân thiện, học sinh tích cực đạt tỷ lệ cao, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thu hút học sinh đến trường. Hàng năm, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường chú trọng duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua, thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra và đánh giá; thực hiện tốt công tác chủ nhiệm lớp nhằm quan tâm đến hoàn cảnh của học sinh, kịp thời động viên, giúp đỡ, vận động học sinh có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng tiếp tục đi học. Ban giám hiệu các trường đã có nhiều biện pháp quản lý học sinh, góp phần duy trì sĩ số và giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, động viên khuyến khích học sinh khuyết tật đến trường. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được các ngành học, cấp học quan tâm. Hàng năm, Sở GD-ĐT đều tổ chức thi học sinh giỏi các cấp, qua đó đánh giá chất lượng học sinh giỏi của các huyện, thành phố, các trường học trong tỉnh. Với chất lượng học sinh giỏi ổn định và vững chắc từ các cấp học dưới nên việc tuyển chọn đội tuyển, bồi dưỡng học sinh giỏi THPT thi quốc gia hàng năm được thực hiện có hiệu quả với thành tích nhiều năm liền đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ và chất lượng học sinh giỏi quốc gia. Chất lượng học sinh đại trà cũng được quan tâm chỉ đạo và từng bước được nâng cao. Công tác phụ đạo học sinh yếu, kém đã được các nhà trường quan tâm thực hiện. Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên bộ môn và triển khai dạy thêm, học thêm theo tiêu chuẩn kiến thức kỹ năng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các hội nghị, hội thảo chuyên môn về việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp, ôn thi vào các trường đại học cho học sinh lớp 12 trong toàn tỉnh được quan tâm nên hàng năm, điểm bình quân thi tốt nghiệp, thi đại học của tỉnh luôn dẫn đầu toàn quốc. Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đại trà và đánh giá kết quả thi tuyển sinh đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng toàn diện học sinh. Công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ được triển khai thường xuyên và hiệu quả. Các phòng GD-ĐT đã tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn như hội thảo, hội giảng các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ để trao đổi, rút kinh nghiệm và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giảng dạy và là dịp để đánh giá việc chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của các phòng GD-ĐT, các trường học trong tỉnh. Bên cạnh đó, các nhà trường đã chú trọng và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngày càng cao của cấp học. Đến nay, toàn tỉnh có 99,71% giáo viên tiểu học đạt chuẩn, trong đó có 79,62% giáo viên có trình độ trên chuẩn; 97,6% giáo viên THCS đạt chuẩn, trong đó có 21,7% trên chuẩn.

Với những nỗ lực, cố gắng của ngành GD-ĐT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện với công tác phổ cập THCS, sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân trong việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tháng 12-2001, Bộ GD-ĐT đã công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS với 96,9% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn. Trong đó, số trẻ em 6 tuổi trong diện phổ cập là 34.204 em, huy động vào lớp 1 đạt 99,98%; số trẻ ở độ tuổi từ 11 đến 14 là 165.500 em, trong đó có 98,91% tốt nghiệp tiểu học; huy động vào lớp 6 đạt 98,7%; số học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,9%; số thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 diện phổ cập là 170.356 người và đã có 86,3% tốt nghiệp THCS và bổ túc THCS. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã duy trì tốt công tác phổ cập với 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS. Riêng năm 2009, số trẻ huy động vào lớp 1 đạt 99,94%; số trẻ ở độ tuổi từ 11 đến 14 tốt nghiệp tiểu học đạt 99,59%; huy động trẻ vào lớp 6 đạt 99,89%; số học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,6%; số thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 diện phổ cập là 150.314 người và đã có 96,32% tốt nghiệp THCS và bổ túc THCS./.

Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com