Nam Tiến, xứng danh truyền thống Anh hùng

09:12, 08/12/2010

Xã Nam Tiến (Nam Trực) nằm trên trục đường Đen, con đường nối liền quốc lộ 21 và tỉnh lộ 55. Đây là một trong ba con đường huyết mạch của huyện Nam Trực: đường Vàng; đường Trắng; đường Đen, những con đường gắn liền với những chiến công oanh liệt thời kỳ chống thực dân Pháp của huyện Nam Trực.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nam Tiến là một vùng quê nghèo khó, nhưng sớm có truyền thống yêu nước. Nhiều người dân Nam Tiến đã sớm đi theo tiếng gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch vùng dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Tháng 11-1945 xã Nam Tiến mới chỉ có một đội du kích cảm tử gồm 3 người do đồng chí Hoàng Hoa Tửu (Sếp Mùi) làm đội trưởng, nhưng đến năm 1947, ở mỗi thôn đã có 1 trung đội tự vệ chiến đấu rất mạnh. Sau khi thực dân Pháp gây hấn, mở lại cuộc chiến tranh xâm lược thì phong trào kháng chiến chống Pháp lên rất cao, phong trào "Hũ gạo kháng chiến", tuần lễ ủng hộ kháng chiến, nhất là quỹ độc lập đã gom góp được trên 10 vạn đồng tiền Đông Dương... Chính từ sức mạnh tổng hợp nội lực đó mà xã Nam Tiến đẩy mạnh chiến tranh du kích, chống địch càn quét.

Nam Tiến trong những năm 1949 - 1954, cũng như nhiều xã của các huyện phía nam, nằm trong vùng địch tạm chiếm, hệ thống đồn bốt của địch dày đặc. Thực dân Pháp đã thiết lập một hệ thống tay sai, được trang bị vũ khí, quân trang, quân dụng hiện đại lúc bấy giờ, lấy nhà thờ xứ Nam Trực làm căn cứ để chống phá phong trào cách mạng của địa phương. Trung tuần tháng 12-1949, chúng chiếm đánh Nam Trực để đóng bốt, do một tên sỹ quan Pháp chỉ huy. Từ đó địch thường xuyên mở các cuộc càn quét, đốt phá xóm làng, bắt bớ, bắn giết đàn bà, trẻ con, người già gây nên nhiều tội ác với nhân dân. Ngày 18-6-1950, địch từ bốt Nam Hưng, xã Nam Lợi, bốt Nam Trực bao vây làng Thạch Cầu, bắt 9 thanh niên nghi là du kích, bắn và đẩy xác xuống sông. Một số người chúng đưa vào đình Thạch Cầu tra tấn, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Quảng, là đảng viên... Sau khi vơ vét, chúng tàn phá, đốt cháy toàn bộ các ngôi nhà trong thôn. Sau ngày hoà bình lập lại, nhân dân thôn Thạch Cầu đã dựng bia căm thù để khắc cốt ghi tâm mối thù này.

Trước những tội ác dã man, chồng chất của thực dân Pháp, thực hiện sự chỉ đạo của huyện uỷ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Nam Tiến đã chủ động tác chiến, phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, lực lượng du kích các xã lân cận tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Điển hình như trận đánh phục kích của du kích thôn Lạc Chính, thôn Đông Lạc phối hợp với đại đội 77 ngày 7 tháng Giêng năm Mậu Tý (16-2-1948) chống càn quét của 1 tiểu đoàn lính Âu phi. Quân ta đã tiêu diệt gần 100 tên, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội địch, thu 13 khẩu súng, 200 viên đạn. Hoặc trận đánh vận động phục kích của trung đội du kích thôn Đồng Quỹ ngày 15-6-1949; Trận phục kích tiêu diệt lính dõng đêm 18-5-1950; Trận phục kích của trung đội du kích thôn Thạch Cầu…

Bên cạnh việc chiến đấu anh dũng đánh bại các cuộc càn quét, khủng bố của địch, quân dân xã Nam Tiến trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã tiễn 158 thanh niên lên đường nhập ngũ, 118 lượt người phục vụ chiến đấu, trong đó có 60 người phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, đóng góp 30 tấn lương thực, 12 tấn thực phẩm, 75 cơ sở và gia đình đào hầm nuôi giấu cán bộ, 66 liệt sĩ, 13 đồng chí là thương binh... 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng là Đỗ Thị Quyển, thôn Đồng Quỹ có con là Đỗ Văn Thư là cán bộ xã hy sinh tại quê hương trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Điểm nổi bật của Nam Tiến trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là phong trào du kích phát triển mạnh mẽ, liên tục tiến công quân thù, phá tề, trừ gian, bao vây chống càn quét của kẻ địch. Có được sức mạnh đó là do cán bộ, bộ đội biết dựa vào nhân dân, được nhân dân nuôi giấu, che chở. 9 năm (1946-1954), cán bộ và nhân dân xã Nam Tiến đã đánh 132 trận, 6 trận tiêu biểu, tiêu diệt 355 tên (trong đó có 1 tên quan hai Pháp), làm bị thương 102 tên, thu 211 khẩu súng các loại, phá tan 6 ban tề, tiêu diệt nhiều tên Việt gian bán nước.

Tiếp bước cha anh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Nam Tiến đã tiễn 2.758 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 141 người con ưu tú đã hy sinh anh dũng trên khắp các chiến trường, 142 thương binh, đóng góp 11.500 tấn lương thực, 650 tấn thực phẩm... góp phần vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, là một xã đông dân, thuần nông, nhưng với truyền thống trong kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Tiến nỗ lực khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng trưởng hàng năm là 7%, tỷ lệ hộ giàu là 20%... Nhiều con em xã Nam Tiến lớn lên từ quê hương, được đào tạo đã có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực kinh tế - văn hoá - xã hội.

Với thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 28-5-2010, Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 740/QĐ phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống thực dân Pháp” cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Nam Tiến.

Trước vinh dự to lớn này, mỗi người con Nam Tiến dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều rất đỗi tự hào tích cực lao động, học tập, làm việc, đóng góp cho quê hương ngày một giàu đẹp, xứng đáng với công lao của cha anh thuở trước./.

Nhà báo, TS  Nguyễn Xuân Năm



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com