NHÂN TÀI VÀ SỬ DỤNG NHÂN TÀI

07:12, 03/12/2010

Nhân tài, nói chung, là những người thông minh, trí tuệ phát triển và giàu tính sáng tạo. Nhân tài là người có kiến thức sâu sắc, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp mới, biết tổ chức các nguồn lực để tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, địa phương, đất nước. Ngoài các yếu tố trên, nhân tài còn cần một yếu tố quan trọng nữa thuộc phạm trù phẩm chất. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó… 

Bác Hồ trong một lần gặp Giáo sư Trần Đại Nghĩa.  Nguồn: Internet
Bác Hồ trong một lần gặp Giáo sư Trần Đại Nghĩa.
Nguồn: Internet

 Nhân tài chịu tác động qua lại của ba yếu tố: di truyền bẩm sinh, môi trường tự nhiên - xã hội và thường xuyên tự rèn luyện từ trong thực tiễn của mỗi cá nhân.

Theo V.Lêvi, nhà tâm lý học người Nga, thiên tài là người đã thực hiện được một điều rất quan trọng, quý giá, phi thường…, người được tự nhiên phú cho những khả năng xuất chúng, một hiện tượng tâm thần bí ẩn.

Trong “Tờ chiếu xây dựng việc học” (Lập học chiếu) thời Vua Quang Trung, nhà chính trị, nhà thơ Ngô Thì Nhậm viết:

“Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên.
Cầu trị dĩ nhân tài vi cấp”

(Xây dựng đất nước lấy dạy và học làm đầu; yêu cầu cai trị đất nước lấy việc dùng nhân tài làm cấp thiết).

Nhà triết học Đức Phơ-bách (1804-1872) từng nhấn mạnh: “Ở đâu không có đất để bộc lộ tài năng thì ở đó cũng không có tài năng”. Không có đất nghĩa là không được đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng thì tài năng bị thui chột, hạn chế…

Lê-nin nói: “Một nhân tài là một của hiếm nên cần phải khuyến khích liên tục và với sự tế nhị”.

Người xưa dùng chữ “Đãi sĩ” để chỉ cách đối xử với kẻ sĩ, với nhân tài. “Đãi sĩ” đi đôi với “Chiêu hiền”. “Chiêu” phải biết “Đãi”, “Đãi” để mà “Chiêu”. Các bậc đế vương anh minh đã nhận thức sâu sắc vai trò của nhân tài đối với xã hội, quốc gia, đặc biệt là đối với sự hưng vong của ngay bản thân các triều đại. Trải qua các triều đại, “chiêu hiền” đã được nâng lên thành quốc sách. Trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào năm 1442 đã ghi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém. Vì thế các bậc thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là công việc cần kíp. Bởi kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào…”. Trong thư tịch cổ nước ta, khó có thể tìm được áng văn nào nói hay hơn về vai trò của hiền tài đối với đất nước cũng như thái độ trọng nhân tài của Nhà nước. Có thể coi đây là tuyên ngôn bất hủ về chính sách nhân tài không chỉ của nhà Lê mà của muôn thời.

Tháng 11-1429, sau khi đánh tan quân Minh, Lê Lợi hạ Chiếu cầu hiền do Nguyễn Trãi soạn thảo, trong đó, có đoạn: “Tuy người tài ở đời vốn không ít mà cầu tài không có một đường. Hoặc có người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hạng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hào kiệt ở nơi đồng nội hay lẫn trong binh lính, nếu không tự đề đạt thì Trẫm bởi đâu mà biết được. Từ nay về sau, các bậc quân tử ai muốn đi chơi với ta đều cho tự tiện”. Trong Bình Ngô đại cáo (1428), Nguyễn Trãi còn viết: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, Song hào kiệt lúc nào cũng có”.

Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung ban bố ngay “Chiếu cầu hiền” nói rõ: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Trị nước lấy nhân tài làm gốc. Trẫm buổi đầu dựng nước, tôn trọng việc học, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài ra giúp nước… Trẫm đang để ý lắng nghe, sớm hôm mong mỏi. Thế mà những người tài cao, học rộng, chưa có ai đến, hay Trẫm là người ít đức, không xứng để phò tá chăng ? Ôi ! Trời đất bế tắc, thì hiền tài ẩn náu ! Xưa thì đúng như vậy, còn nay trời đất thanh bình chính là lúc người tài gặp gió may…” Vua Quang Trung là người hết sức khiêm tốn, tôn trọng và khoan dung, độ lượng với các bậc hiền tài, nên nhiều sĩ phu thức thời đã một lòng một dạ phò tá nhà vua như: Nguyễn Thiếp, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích… 

Giáo sư Ngô Bảo Châu được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields.  Nguồn: Internet
Giáo sư Ngô Bảo Châu được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields.
Nguồn: Internet

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời về việc dùng người tài. Chỉ trong vòng một năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Người đã có hai bài đăng trên báo Cứu quốc: “Nhân tài và kiến quốc” (14-11-1945) và “Tìm người tài đức” (20-11-1946). Đó là "Chiếu cầu hiền" của cách mạng với những lời lẽ chân thành, lay động con tim của đông đảo trí thức, nhân tài lúc bấy giờ. Trong bài “Tìm người tài đức”, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức… Nay muốn… trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người đã mời các nhân sĩ, trí thức và cả những quan lại của triều đình nhà Nguyễn ra gánh vác việc nước. Khi sang Pháp, Người đã mời nhiều trí thức có tâm, có tài sẵn sàng bỏ lại sau lưng những ưu đãi về vật chất để trở về cống hiến vô điều kiện cho đất nước.

Trong thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện, cảm hóa, trọng dụng nhiều nhà trí thức, nhân tài như: Cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Tố, Phan Anh, GS Đặng Thai Mai...; những nhà khoa học nổi tiếng như: GS Trần Đại Nghĩa, GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Xiển, GS-VS Nguyễn Khánh Toàn, GS Nguyễn Văn Huyên, GS Hoàng Minh Giám, GS Ngụy Như Kon Tum, BS Phạm Ngọc Thạch, TS Lương Định Của, KTS Huỳnh Tấn Phát…; những nhà chính trị, quân sự tài ba như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng nhân tài là lòng thiết tha thực sự cầu hiền, xuất phát từ tư tưởng nhân văn, dựa trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vì Tổ quốc trên hết.

Trong bài “Thiếu óc tổ chức - Một khuyết điểm lớn trong các Uỷ ban Nhân dân” đăng trên báo Cứu quốc, số 68, ngày 4-10-1945, Người viết: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng…, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Người nói như vậy và suốt cả cuộc đời, Người đã làm như vậy.

Theo Lê-nin, “cần phát hiện những cán bộ có tài. Hiện nay, then chốt là ở đây, nếu không thế, mọi mệnh lệnh và quyết định đúng đắn chẳng qua chỉ là một mớ giấy lộn bẩn thỉu”.

Đất nước ta không thiếu người có tài, có đức. Cần có sự đồng bộ từ nhận thức, thái độ đến cơ chế chính sách trong đào tạo, phát hiện và sử dụng tài năng.

Trọng thị, trọng dụng, trọng đãi nhân tài là ba khâu liên quan chặt chẽ với nhau. Trọng dụng là biểu hiện cụ thể của trọng thị, và là động lực quan trọng để thu hút nhân tài. Trọng đãi là sự trả công xứng đáng cho những đóng góp của nhân tài cho xã hội, đất nước.

Nói đến chính sách đãi ngộ sẽ đụng đến vấn đề kinh phí. Đây là bài toán khó, nhưng giải bài toán đó không phải là chia như thế nào với nguồn ngân sách đó mà làm thế nào để nguồn ngân sách đó thật sự có hiệu quả.

Nhân tài mong muốn trước hết là được làm việc và cống hiến. Do vậy, cần quan tâm đến ba yếu tố: Điều kiện làm việc, quyền tự chủ trong lĩnh vực hoạt động, và cuộc sống ổn định.

Một tài năng mà không có đất dụng võ chẳng khác gì con cá sống giữa ruộng khô, có vùng vẫy rồi cũng chết.

Thế kỷ 21 là thời đại kinh tế tri thức. Đã đến lúc cần có một chiến lược nhân tài trong tổng thể chiến lược con người trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Nguyễn Xuyến



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com