MTTQ các cấp trong tỉnh với công tác tập hợp, đoàn kết đồng bào có đạo

09:12, 29/12/2010

Tôn trọng,  bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Quán triệt quan điểm đó, những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn xác định vận động, tập hợp, đoàn kết các chức sắc tôn giáo, nhà tu hành và đồng bào có đạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác Mặt trận

 

Giải thể thao chức sắc các tôn giáo toàn tỉnh năm 2010 do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.
Giải thể thao chức sắc các tôn giáo toàn tỉnh năm 2010 do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.

Đổi mới phương thức vận động

Tỉnh ta hiện có 3 tôn giáo chính là đạo Phật, đạo Thiên chúa và  đạo Tin lành. Đạo Phật, toàn tỉnh có 818 chùa, 779 tăng ni, khoảng 14,6 vạn tín đồ. Đạo Thiên chúa có 1 toà giám mục, 684 nhà thờ xứ, họ, 1 giám mục, 173 linh mục, khoảng 3.600 chức việc, 42,7 vạn giáo dân. Đạo Tin lành có 2 nhà thờ, 2 mục sư và gần 1.000 tín đồ. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò, sức mạnh của đông đảo đồng bào có đạo trong khối đại đoàn kết toàn dân, giúp đồng bào thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về hoạt động tôn giáo, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, những năm qua MTTQ các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới phương thức vận động đồng bào có đạo. Hàng năm Uỷ ban MTTQ tỉnh, các huyện, thành phố phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của tỉnh liên quan đến công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, có Nghị quyết số 24/NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết lần thứ VII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Pháp lệnh và các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 1940 của Chính phủ, Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Quyết định số 3350 của UBND tỉnh… Trên cơ sở nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, cán bộ Mặt trận các cấp trong tỉnh thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, tổ chức lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tôn giáo; trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi, trao đổi với các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, giáo dân, tín đồ phật tử. Qua đó, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào có đạo. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, đa số chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo trong tỉnh hiểu, nhận thức đầy đủ chủ trương, chính sách, tôn trọng,  bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đồng thời thấy rõ ý thức, trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc, từ đó, yên tâm, phấn khởi thực hiện tốt việc đạo và việc đời. Mối quan hệ giữa MTTQ và các chức sắc tôn giáo ngày càng mật thiết, gắn bó. Toàn tỉnh hiện có 206 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia Uỷ ban MTTQ các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Nhiệm kỳ vừa qua, MTTQ các cấp trong tỉnh thông qua hiệp thương đã giới thiệu, được nhân dân tín nhiệm bầu 1 linh mục làm đại biểu Quốc hội khoá XII; bầu, cử 163 chức sắc tôn giáo khác tham gia HĐND các cấp và các hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Với vai trò, uy tín của mình, hầu hết các chức sắc, chức việc tôn giáo trong tỉnh luôn gương mẫu, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo như thực hiện đăng ký các hoạt động tôn giáo hàng năm; xin phép khi tổ chức các hoạt động tôn giáo lớn, mở lớp học, thụ phong, xuất gia, xuất cảnh, xây sửa chùa, nhà thờ, in ấn tài liệu…

Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong đồng bào có đạo

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, 10 năm qua, MTTQ tỉnh đã xây dựng, phát động, duy trì hai phong trào thi đua lớn trong đồng bào có đạo tỉnh nhà là: phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” và phong trào “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”. Hai phong trào đều có mục tiêu chung là tập hợp, đoàn kết đồng bào có đạo trong tỉnh tham gia thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực như phát động đồng bào có đạo thi đua phát triển kinh tế, xoá nghèo, làm giàu chính đáng; đấu tranh, bài trừ các loại tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hoá; giữ gìn an ninh trật tự; chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện… Các phong trào nhanh chóng nhận được sự đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng của các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, thể hiện qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế. Ngoài duy trì thâm canh lúa, những năm qua, đồng bào có đạo ở các địa phương đã đẩy mạnh sản xuất rau màu vụ đông, chăn nuôi theo mô hình trang trại; nuôi trồng, khai thác chế biến thuỷ hải sản; sản xuất CN-TTCN. Một số nghề truyền thống như kim hoàn, đúc đồng, cơ khí, gỗ mỹ nghệ, thêu ren… được đồng bào có đạo duy trì và tập trung phát triển cả về quy mô, trình độ, kỹ - mỹ thuật, tạo được nhiều việc làm cho người lao động ở các vùng nông thôn. Những hoạt động phát triển kinh tế phong phú, đa dạng, hiệu quả của đồng bào có đạo đã góp phần quan trọng vào kết quả công tác giảm nghèo chung của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 6%. Đặc biệt, những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài trong đồng bào có đạo đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các chùa, xứ họ đạo trong tỉnh đều đã xây dựng được quỹ khuyến học. Ngoài tuyên truyền, vận động, hầu hết các chức sắc tôn giáo trong tỉnh còn tổ chức quyên góp xây dựng quỹ khuyến học, hỗ trợ con em địa phương kinh phí, phương tiện học tập; mở các lớp học miễn phí… Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hoạt động khuyến học, khuyến tài đã góp phần tạo cho con em đồng bào có đạo nói riêng, con em nhân dân trong tỉnh nói chung những điều kiện học tập tốt. Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, 10 năm qua, đồng bào có đạo trong tỉnh đã đóng góp 16,5 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “vì người nghèo” các cấp đóng góp xây mới 159 ngôi nhà tặng các hộ nghèo trong tỉnh. Trong đó, các tăng ni, phật tử đóng góp, ủng hộ 9,5 tỷ đồng, xây dựng 90 nhà; các linh mục, giáo dân ở các xứ, họ đạo đóng góp, ủng hộ 7 tỷ đồng, xây dựng 69 nhà. Phong trào giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống ma tuý, tội phạm, tệ nạn xã hội, những thói hư, tật xấu trái với truyền thống, đạo lý dân tộc, trái với giáo lý của các tôn giáo; các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường… luôn được các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng.

Với việc đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đến nay, toàn tỉnh đã có 394/818 chùa đạt danh hiệu “Chùa tinh tiến”, gần 300 khu dân cư có đông đồng bào theo đạo Phật được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”, “Khu dân cư tiên tiến”. Cùng với đó,  817 lượt xứ, họ đạo đạt danh hiệu “Xứ, họ đạo tiên tiến”, 98 làng có đông đồng bào công giáo được công nhận “Làng văn hoá”. Kết quả công tác vận động đồng bào có đạo của MTTQ các cấp trong tỉnh những năm qua đã góp phần quan trọng xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn tỉnh, chung sức xây dựng tỉnh nhà ngày một phát triển./.

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com