Về xã Xuân Đài (Xuân Trường), tôi được chứng kiến sự đổi thay, sung túc ở vùng quê có đặc sản gạo tám thơm nổi tiếng. Các đường liên thôn, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, nhiều tuyến đường rộng, hành lang đường thông thoáng, một bên là rặng nhãn xanh rì, một bên là khu nhà dân với nhiều nhà cao tầng, nhiều nhà kiến trúc như biệt thự. Qua mấy thôn đều có nhà văn hóa, khuôn viên rộng rãi. Làng An Phú là trung tâm sản xuất loại gạo tám ấp bẹ đặc sản ở xã. Làng An Phú bao gồm toàn bộ xóm 3, một phần xóm 4 và một số xóm khác. Trong đó, xóm 3 là trung tâm và cũng là xóm được công nhận Làng văn hóa ngay từ những đợt đầu tiên. Ngoài lợi thế trong sản xuất nông nghiệp với giống lúa đặc sản truyền thống, làng còn có những thuận lợi cho phát triển thương mại dịch vụ như chợ Láng, bến dừng đỗ xe khách với lưu lượng 12 chuyến xuất bến mỗi ngày đi các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội. Ngoài ra trên địa bàn còn có một trường THPT, Đài Viễn thông, Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT. Xuân Đài là xã trung tâm cụm kinh tế số 2 của huyện Xuân Trường gồm các xã miền sông Hồng (Xuân Tân, Xuân Thành, Xuân Phú, Thọ Nghiệp, Xuân Đài). Xuân Đài và Xuân Tân cách nhau con sông Láng, nhánh của sông Hồng cung cấp nguồn nước ngọt cho đời sống dân sinh, sản xuất nông nghiệp của cả vùng.
Với vị trí địa lý đó nên Xuân Đài dáng dấp của một thị tứ. Những đặc trưng đó vừa tạo thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn không ít những phức tạp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Với chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ, sản xuất nông nghiệp được xã tập trung chỉ đạo HTX tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, đẩy mạnh giao lưu thương mại góp phần tiêu thụ nông sản của bà con đạt giá trị cao, nhờ đó đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đó cũng là cơ sở để xã huy động sức dân cùng với ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ của trên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã. Làng An Phú nói chung và xóm 3 là đơn vị đi đầu của xã trong việc đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa với các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng kiến thiết nông thôn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, phòng chống tội phạm, tai tệ nạn xã hội... 100% đường giao thông được cải tạo nâng cấp, 100% trẻ em đến trường học theo đúng độ tuổi từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Số các cháu của xóm đạt học sinh giỏi, đoạt giải cấp tỉnh, huyện, thi đỗ các trường đại học, cao đẳng hàng năm luôn chiếm tỷ lệ cao nhất xã. Lễ hội tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Trần được dân làng tổ chức vào 20 tháng 8 âm lịch hàng năm, ngoài phần nghi lễ, các hoạt động thể thao, văn hoá được tổ chức, thu hút người dân vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, có tác động tích cực đến tư tưởng người dự lễ với tư tưởng hướng thiện.
Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi cho phát triển dịch vụ thương mại cũng đồng thời tiềm ẩn những phức tạp cho quản lý xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn đòi hỏi phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự cần phải được đẩy mạnh. Một số quy ước tích cực của làng cần được đưa vào hương ước của xóm, kết hợp sửa đổi bổ sung các quy ước mới để bà con nhân dân cùng tham gia bàn bạc và thực hiện. Hiện tại, xóm vẫn chưa có nhà văn hóa, trong khi các hoạt động cộng đồng ngày càng phong phú, rất cần bà con chung tay đóng góp, huy động các nguồn lực, nhất là con em địa phương đang làm ăn, sinh sống thành đạt ở khắp nơi để có kinh phí xây dựng nhà văn hóa. Đồng chí bí thư chi bộ thôn cho biết công việc chuẩn bị đã cơ bản, hy vọng trong thời gian không lâu xóm 3 sẽ có nhà văn hóa để hoàn thiện các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa ở cơ sở./.
Vân Thi