Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân (HND) và Chi cục Dân số - KHHGĐ về việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ năm 2010, HND tỉnh đã chỉ đạo HND các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, đăng ký chỉ tiêu thi đua: 50% chi hội không có cặp vợ chồng sinh con thứ ba và xây dựng mô hình điểm truyền thông lồng ghép công tác dân số với phát triển gia đình bền vững. Thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân để truyền thông lồng ghép dịch vụ kế hoạch hoá gia đình với chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ giống vốn, vật tư, kinh nghiệm làm ăn cho các thành viên trong câu lạc bộ nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về chương trình dân số và phát triển, lợi ích của kế hoạch hoá gia đình, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Với phương châm mỗi cán bộ, hội viên nông dân là một tuyên truyền viên dân số, kết hợp truyền thông trực tiếp và gián tiếp để có các hoạt động phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng và thực hiện.
Để góp phần thực hiện thắng lợi chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ của tỉnh năm 2010, HND tỉnh phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức tập huấn cho 370 cán bộ, hội viên nông dân trong độ tuổi sinh đẻ, nam nông dân chủ hộ gia đình ở các xã: Trung Đông (Trực Ninh), Giao Châu (Giao Thuỷ). HND các huyện, thành phố cũng đã phối hợp với Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền 213 buổi cho trên 15 ngàn lượt hội viên nông dân ở các xã có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ ba cao, xã có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa về công tác Dân số - KHHGĐ, nhất là trách nhiệm của nam giới trong việc quyết định số con trong gia đình; tuyên truyền về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, vấn đề phòng chống bạo lực gia đình... Các cơ sở hội phối hợp tổ chức khảo sát phân loại hộ gia đình trong độ tuổi sinh đẻ, từ đó có biện pháp phù hợp để truyền thông lồng ghép công tác hội với công tác KHHGĐ đem lại hiệu quả cao. Phối hợp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT về sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, vay vốn giải quyết việc làm từ các nguồn: Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân cho hội viên nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giúp nhau giảm nghèo và cải thiện đời sống. HND tỉnh chỉ đạo mỗi huyện, thành hội chọn 1 cơ sở làm mô hình điểm để nhân ra diện rộng. Đến nay, có một số mô hình tiêu biểu như các xã Đại Thắng, Cộng Hoà (Vụ Bản); Giao Hà (Giao Thuỷ); Yên Phú (Ý Yên); Lộc An (TP Nam Định); Mỹ Tân (Mỹ Lộc); Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng)... Đến hết tháng 11-2010, toàn tỉnh đã xây dựng được 497 CLB nông dân với 21.789 thành viên tham gia, có 2.413 chi/3.158 chi, tổ hội đăng ký không sinh con thứ 3. Ngoài ra, còn có 315 CLB nông dân tổ chức sinh hoạt mời tuyên truyền viên chương trình dân số về phổ biến kiến thức về chính sách pháp luật, các phương pháp phòng tránh thai, dinh dưỡng sức khoẻ sinh sản nhằm thay đổi hành vi DS/SKSS/KHHGĐ về quyền trẻ em với 21.216 lượt người dự. Điển hình là CLB Phú Hào (Cát Thành - Trực Ninh), CLB thôn 10 (Yên Phương - Ý Yên), CLB chi hội 11 (thị trấn Yên Định - Hải Hậu), CLB Hồng Tiến (Đại Thắng - Vụ Bản), CLB chi hội 14 (Giao Tiến - Giao Thuỷ)... Với việc tham gia sinh hoạt CLB nông dân, nhiều hội viên đã được nâng cao nhận thức về dân số - KHHGĐ và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nhiều hộ thoát nghèo vươn lên thành hộ khá, giàu./.
( Hội Nông dân tỉnh)