Trở lại Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) trong những ngày này, chúng tôi thấy niềm vui, niềm tự hào hiện lên rõ nét trong ánh mắt, trong nụ cười rạng rỡ của mỗi người dân khi xã vừa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mảnh đất và con người Hoàng Nam kể từ thuở “khai thiên lập địa” (từ thời hậu Lê) đến nay, trải qua gần 600 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển đã tạo nên truyền thống đoàn kết, nhân ái, thủy chung, kiên cường và đầy khí phách. Từ xa xưa, các bậc hiền tài như cụ Phạm Đạo Phú, Phạm Nguyên Bảo là những nhân tài chí sỹ học hành thành tài, yêu nước, thương dân… Trong kháng chiến chống Pháp, Hoàng Nam được xác định là một vị trí chiến lược, với ngã ba Độc Bộ - một điểm nút giao thông trọng yếu từ biển theo đường sông tiến vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây có bến đò Xanh là chốt giao thông liên khu để vận chuyển lương thực, tiếp viện quân cho các tỉnh phía trong và đưa thương binh ra vùng tự do. Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Trịnh Văn Tích, nguyên Bí thư Đảng ủy xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp hồi tưởng lại: ngày 21-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, nhân dân Hoàng Nam đã vùng lên giành chính quyền về tay cách mạng. Ngày 16-12-1947, chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập, với 3 đảng viên, trở thành nòng cốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Tháng 11-1949, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Hoàng Nam, chúng cho xây dựng bốt Phù Sa nhằm mục tiêu khống chế ngã ba Độc Bộ. Từ đây, được sự hỗ trợ của chính quyền thực dân, các tổ chức phản động trỗi dậy, chúng thành lập các tề đảng ở khắp các thôn, làng, ráo riết lùng sục, chỉ điểm bắt bớ, giam cầm, tra tấn cán bộ, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ đó, với sự gan dạ, táo bạo và kiên cường của các đồng chí cán bộ đảng viên, theo sự chỉ đạo của cấp trên lực lượng cách mạng ở Hoàng Nam đã thực hiện chủ trương “rào làng kháng chiến”. Từng thôn làng được đan cài thành những “bức tường kín”. Các vị trí cửa sông, bến đò đều bố trí lực lượng du kích tuần tra, canh gác, thám thính nắm tình hình. Nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã được bố phòng các ụ đất chiến đấu, hầm chông, vật cản… như tại các vị trí thuộc địa bàn các thôn: Sa Thượng, Chương Nghĩa, Sa Hạ, Ba Hạ, Hưng Thịnh. Để bảo đảm đánh địch hiệu quả, nhân dân và lực lượng du kích đã đào đắp 2.900 mét hào giao thông, 263 hầm chiến đấu, 62 hầm bí mật, các hệ thống báo hiệu bằng tù và… Tháng 10-1950, ngay sau khi địch xây dựng bốt Phù Sa, lực lượng du kích xã đã tổ chức đánh mìn làm bị thương một viên sỹ quan và nhiều lính Pháp, khiến chúng hoang mang, lo sợ. Đầu năm 1951, cùng với công an và lực lượng vũ trang huyện, lực lượng du kích xã đã chủ động đánh địch trên trục đường 56, khi lính Pháp từ bốt Lý Nghĩa kéo lên, khiến quân Pháp thiệt hại lớn. Không chỉ trực tiếp chiến đấu tiêu diệt địch, Hoàng Nam còn tích cực thực hiện kế hoạch của mặt trận giao, trở thành điểm đưa bộ đội vượt sông và tiếp nhận đưa thương binh ra vùng tự do. Có chiến dịch, chỉ trong một đêm, xã đã huy động 150 thanh niên, 30 thuyền bè chở bộ đội vượt sông an toàn; đồng thời quyên góp trên 2 tấn gạo, hơn 1 tấn thực phẩm ủng hộ bộ đội và tiếp nhận, chăm sóc hàng trăm thương binh. Đầu năm 1952, bằng sự mưu trí, dũng cảm, lực lượng du kích xã đã phối hợp với bộ đội chủ lực chủ động đánh chiếm bốt Phù Sa, tiêu diệt hầu hết lực lượng của địch, bắt sống bọn Việt gian, tề ngụy như: Tổng Toại, Lý Nhã, Xã Thuông…; thu giữ 12 khẩu súng, 2 hòm đạn và nhiều phương tiện, vật dụng chiến tranh khác. Những năm tiếp theo, trên tuyến sông Đáy, từ bến đò Bà Quăn đến ngã ba Độc Bộ, lực lượng thủy quân của địch với sự yểm trợ của không quân, liên tục đánh phá, song lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã kiên cường đánh trả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kìm chân, tiêu hao sinh lực địch, thu giữ được 12 khẩu súng, 20 gánh quân trang và 30 hòm đạn các loại… Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng du kích xã Hoàng Nam đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 53 trận đánh, tiêu diệt 128 tên địch, trong đó có 6 tên sỹ quan, làm bị thương 227 tên, thu 54 súng trường, 12 súng ngắn, 53 hòm đạn và nhiều trang bị vật dụng chiến tranh khác. Cùng với việc trực tiếp chiến đấu tại quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoàng Nam còn tiễn 125 người con lên đường nhập ngũ giết giặc, hơn 100 người xung phong lên hỏa tuyến phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó có 31 người đã anh dũng hy sinh, 11 người để lại chiến trường một phần xương máu. Bên cạnh đó, xã còn ủng hộ 18 tấn thóc, nộp thuế 95 tấn thóc cho Chính phủ. Trong phong trào cách mạng với nhiều khó khăn gian khổ ấy đã xuất hiện những tấm gương chiến sỹ cách mạng chiến đấu anh dũng, nhiều gia đình không quản gian nguy che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng như các đồng chí: Bùi Sùng, Bùi Tạc, Trịnh Văn Tích, Ngô Văn Nghi, Nguyễn Văn Cảng, Phạm Văn Bàn; gia đình các cụ Vũ Thị Nhiên ở chùa Hà Dương, Trần Thị Cựu, Trịnh Thị Việp, Đoàn Văn Nhượng… Nhiều “chiến sỹ cách mạng” hiện vẫn còn đó như những nhân chứng sống của một thời kỳ lịch sử oai hùng… Tiếp nối truyền thống cách mạng quê hương, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hoàng Nam cũng đã tiễn đưa 1.205 người con ra tiền tuyến, trong đó 124 người đã anh dũng hy sinh, 116 thương bệnh binh, 8 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng chí Nguyễn Xuân Cự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và trên 500 người được tặng huân, huy chương các loại. Ở hậu phương, nhân dân vừa sản xuất, vừa đóng góp cho tiền tuyến trên 9.000 tấn lương thực, hơn 700 tấn thực phẩm…
Hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hoàng Nam đã phát huy truyền thống sáng tạo, mưu trí, dũng cảm trong kháng chiến, tích cực xây dựng quê hương trở nên giàu đẹp, văn minh. Với tinh thần đoàn kết một lòng vì mục tiêu “dân giàu, xã mạnh” dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chỉ đạo của chính quyền, các phong trào của xã đã có bước phát triển khá toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả. Năm 2010, năng suất lúa của xã đạt 126 tạ/ha, cao hơn 12 tạ/ha so với năm 2000. Ngành chăn nuôi phát triển khá với nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại thu hút nhiều lao động tham gia sản xuất, kinh doanh, cho nguồn thu nhập ổn định. Các ngành CN-TTCN, xây dựng và dịch vụ phát triển mạnh, tạo việc làm cho trên 30% lao động ở địa phương, hàng năm mang lại nguồn thu hơn chục tỷ đồng cho xã, góp phần quan trọng vào việc ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Tỷ lệ hộ khá, giàu của xã ngày một tăng, số hộ nghèo chỉ còn dưới 10%. Hệ thống đường giao thông liên xã đã được nhựa hóa 6km, hàng chục km đường liên thôn và 99% đường dong xóm được bê tông hóa, hệ thống nhà văn hóa, điện chiếu sáng được xây dựng hoàn thiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các trường học đã và đang được xây dựng khang trang: trường THCS, 2 trường tiểu học với quy mô 38 phòng xây dựng kiên cố 2 tầng được hoàn thiện từ năm 2009; năm 2010 đang thi công trường mầm non 2 khu vực với 16 phòng học và các phòng chức năng có tổng kinh phí 7 tỷ đồng. Công trình trụ sở làm việc của Đảng bộ, chính quyền xã cũng đang được gấp rút hoàn thành. Hai trường tiểu học của xã đều đạt trường chuẩn Quốc gia, bình quân mỗi năm toàn xã có hàng chục em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, các chế độ chính sách xã hội bảo đảm, công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc. Tám năm liền, Đảng bộ xã được công nhận là đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền vững mạnh, các đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc… Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí Vũ Ngọc Nghinh, bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hoàng Nam đang tập trung xây dựng quy hoạch phát triển theo định hướng xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung xây dựng quy hoạch phát triển vùng trồng cây vụ đông, vùng chăn nuôi, hệ thống đường giao thông, khôi phục và phát triển nghề làm nón truyền thống, đồng thời quan tâm giải quyết vấn đề môi trường, bảo đảm cho các ngành nghề phát triển một cách bền vững…
Tạm biệt vùng quê Hoàng Nam anh hùng mà trong chúng tôi vẫn vẹn nguyên một niềm tin tưởng những thế hệ con em nơi đây sẽ tiếp tục tiếp bước cha anh, không ngừng học tập, rèn luyện và phấn đấu xây dựng quê hương ngày một thêm giàu đẹp, văn minh./.
Phạm Khôi Nguyên