Hải Hậu tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở

08:12, 22/12/2010

Là vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng, huyện Hải Hậu đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, nhiều năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; hơn 30 năm là điển hình văn hóa cấp huyện toàn quốc. Trên nền tảng vững chắc ấy, kinh tế - xã hội của huyện có sự phát triển bền vững, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đạt được những thành quả hôm nay, cùng với việc tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hơn 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nảy sinh trong nhân dân, tạo dựng sự gắn kết trong mỗi gia đình và tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư.

Hội Người cao tuổi xã Nam Cường (Nam Trực) trao đổi kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở.  Ảnh: Xuân Thu
Hội Người cao tuổi xã Nam Cường (Nam Trực) trao đổi kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở.
Ảnh: Xuân Thu

Chúng tôi về Hải Phương - một xã có bề dày thành tích về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và có đời sống kinh tế - xã hội phát triển của huyện Hải Hậu. CCN xã Hải Phương có diện tích 21ha mới được xây dựng, đến nay đã có 5 Cty đầu tư làm nhà xưởng, từng bước đi vào sản xuất, thu hút hàng trăm lao động. Đi đôi với việc khôi phục nghề truyền thống như vê đay, dệt chiếu, dệt khăn xuất khẩu…, nhiều ngành nghề mới như: mộc, nề, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản cũng phát triển, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với sự chuyển đổi nhanh về kinh tế, thực trạng đời sống xã hội ở vùng quê này cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn như tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng CCN…, mất đoàn kết trong nội bộ gia đình, mâu thuẫn làng xóm. Trước thực tế này, UBND xã đã chỉ đạo Ban Tư pháp phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị trong xã cùng “vào cuộc”, tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh. Gia đình ông H ở xóm 8 có mảnh đất diện tích 1.000m2 nằm trong diện giải phóng mặt bằng CCN. Do chưa thống nhất với phương án đền bù, gia đình ông chưa chấp thuận di dời. Ban hòa giải xã đã cùng tổ hòa giải xóm đến vận động, thuyết phục nhiều lần. Cuối cùng ông H đã chấp thuận theo hướng mà ban giải phóng mặt bằng đưa ra để CCN sớm hoàn thành, đi vào hoạt động. Trong nhiều trường hợp, tổ hòa giải ngoài việc giải quyết trên cơ sở pháp luật, còn dựa vào uy tín của người đứng đầu dòng tộc và các chức sắc tôn giáo để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trên địa  bàn. Đồng chí Phạm Văn Đề, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Hải Phương có được những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội như hôm nay một phần là nhờ thực hiện tốt Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở, không để những mâu thuẫn phức tạp nảy sinh, kéo dài.

Từ năm 1999, khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực thi hành, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở. Ban Tư pháp ở 35 xã, thị trấn trong huyện được kiện toàn với 235 thành viên, có chức năng tham mưu giúp UBND xã, thị trấn quản lý Nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn, trong đó, có công tác hòa giải ở cơ sở. Ban Tư pháp xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức thành viên lựa chọn, giới thiệu những người có uy tín, hiểu biết chính sách pháp luật của Nhà nước để nhân dân trong xóm bầu tổ hòa giải ở cơ sở. Đến nay, trên địa bàn huyện Hải Hậu đã có 548 tổ hòa giải với 3.063 hòa giải viên. Tham gia tổ hòa giải cơ sở là bí thư chi bộ kiêm trưởng ban mặt trận; chi hội trưởng chi Hội Phụ nữ; tổ trưởng Cựu chiến binh; chi Hội Nông dân, bí thư Đoàn Thanh niên; đại diện Hội Người cao tuổi; trưởng dòng họ và đại diện ban hành giáo. Ban Tư pháp xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ hòa giải, duy trì việc tổ chức sinh hoạt theo từng quý, đồng thời cung cấp tài liệu hướng dẫn thực hiện hòa giải cho các tổ hòa giải cơ sở. Ban Tư pháp xã còn thường xuyên cùng với các tổ hòa giải để giải quyết các vụ việc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở, huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho Ban Tư pháp, tổ hòa giải, chủ tịch Ủy ban MTTQ các xã và thị trấn… Hàng năm, Phòng Tư pháp huyện thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật, giới thiệu những văn bản pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống như Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo… và trang bị các kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã cho hàng nghìn lượt cán bộ hòa giải và nhân dân. Hàng năm, Phòng Tư pháp phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện xây dựng kế hoạch hướng dẫn Ban Tư pháp xã, thị trấn phối hợp cùng với Ủy ban MTTQ xã tuyên truyền giới thiệu, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân;  tham gia hòa giải từng vụ việc cụ thể, gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng, hướng dẫn họ cách giải quyết các mâu thuẫn, xích mích ngay từ khi mới nảy sinh.

Từ sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong huyện trong công tác hòa giải nên hàng năm các vụ việc hòa giải thành công trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ 70-80%. Năm 2010, tổng số vụ việc nhận hòa giải là 2.094 vụ, việc, đã hòa giải thành công 1.561 vụ việc, đạt tỷ lệ 75%. Các xã làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là: Hải Phương, Hải Xuân, Hải Trung, Hải An, Hải Đông, Hải Toàn… Những mâu thuẫn được hòa giải kịp thời đã giải tỏa được những mâu thuẫn giữa những người trong cùng một gia đình và trong cộng đồng, giữ gìn hạnh phúc gia đình, tình làng nghĩa xóm. Ở xóm 2 xã Hải Lộc có vụ tranh chấp ranh giới đất đai kéo dài giữa gia đình anh T và gia đình anh N. Các thành viên Ban Tư pháp xã và tổ hòa giải đã đến tìm hiểu nguyên nhân, phân tích trên cơ sở pháp luật và tình cảm xóm giềng cho cả hai bên. Cuối cùng, đôi bên gia đình đã chấp thuận theo phương án của tổ hòa giải đưa ra.

Trong cuộc sống hôm nay, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, những mâu thuẫn mới nảy sinh, số vụ việc cần được hòa giải ở cơ sở ngày càng nhiều, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai, giải tỏa hành lang giao thông, giải phóng mặt bằng… Thực tế ở Hải Hậu cho thấy, công tác hòa giải là một nhiệm vụ không thể thiếu được trong cuộc sống cộng đồng dân cư, góp phần giảm bớt các vụ việc phức tạp chuyển lên cấp trên, phát huy được tình làng nghĩa xóm, ổn định tình hình an ninh nông thôn, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com