Giám định chi giải pháp bình ổn quỹ BHYT

09:12, 10/12/2010

Tỉnh ta hiện nay có tới gần 700 nghìn người đang được chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh từ nguồn quỹ BHXH. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thâm hụt và nguy cơ vỡ quỹ BHYT trong đó có việc người dân chưa hiểu, chủ sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm dẫn đến số người tham gia BHYT chưa đông, thu chưa đủ bù chi. Bên cạnh đó, do phương pháp quản lý quỹ chưa đồng bộ, hiệu quả, ý thức trục lợi của một số đơn vị, cá nhân khi chi phí quỹ... Để thực hiện việc bình ổn, quỹ BHYT cần rất nhiều giải pháp từ hệ thống chính sách, phương pháp quản lý, cơ chế hoạt động đến ý thức, thái độ trực tiếp của những người có trách nhiệm trong quản lý, sử dụng quỹ. Trước mắt, cần đẩy mạnh hiệu quả công tác giám định chi để hạn chế lạm chi, gia tăng ổn định quỹ.

Cty TNHH Hưng Thịnh (TP Nam Định) là đơn vị thường xuyên trích nộp đầy đủ BHXH hàng tháng cho gần 50 lao động. Ảnh: Xuân Thu
Cty TNHH Hưng Thịnh (TP Nam Định) là đơn vị thường xuyên trích nộp đầy đủ BHXH hàng tháng cho gần 50 lao động.
Ảnh: Xuân Thu

Báo cáo của BHXH cho biết, đến hết quý II-2010, toàn tỉnh đã có gần 700 nghìn thẻ BHYT các loại đối tượng với số thu quỹ BHYT đạt trên 137 tỷ đồng. Với số lượng cán bộ giám định chi của BHYT chỉ có 34 người, bình quân 1 cán bộ giám định chi phải đảm nhiệm từ thủ tục, theo dõi trực tiếp, giải quyết chứng từ, thanh toán chi phí cho khoảng 29 nghìn người tham gia BHYT. Nếu tính theo đơn vị cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT hiện nay là 34 cơ sở thì trung bình 1 cán bộ giám định chi phải theo dõi 1 cơ sở y tế, mỗi cơ sở đều có hàng chục khoa, phòng, hàng trăm giường bệnh. Ở tuyến huyện có 12 giám định viên hiện đang ký hợp đồng với 12 cơ sở khám chữa bệnh, như vậy ở 10 huyện, thành phố, mỗi giám định viên phải theo dõi 1 bệnh viện với vài chục trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ở tuyến tỉnh có 14 giám định viên phải theo dõi, giám định tới 22 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó hàng chục cơ sở là các bệnh viện cấp tỉnh có quy mô hàng trăm giường bệnh.

Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng của đội ngũ giám định viên cũng chưa hẳn đáp ứng yêu cầu. Điều kiện bắt buộc để tiếp nhận nhiệm vụ chuyên môn giám định viên là phải có bằng cấp, chuyên môn về y tế. Nhưng trong tổng số 26 giám định viên của tỉnh, chưa phải 100% có trình độ đại học về y, dược. Bên cạnh đó, do khối lượng công việc quá lớn, cộng với sự quan tâm, đầu tư nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho đội ngũ này chưa thực sự được quan tâm nên rất khó để giám định viên theo sát được việc khám, chữa bệnh, cấp thuốc của các cơ sở y tế hàng ngày hàng giờ. Chính từ nguyên nhân số lượng thiếu, chất lượng chuyên môn chưa bảo đảm đã dẫn đến tình trạng một số cơ sở y tế, một bộ phận y, bác sỹ đã lạm dụng quỹ BHYT. Đơn cử như BHYT Giao Thuỷ qua kiểm tra đã phát hiện một số trạm y tế xã có tần suất khám chữa bệnh, cấp thuốc cao bất thường. Kiểm tra của BHXH tỉnh ở các cơ sở khám chữa bệnh vượt quỹ đều có dấu hiệu lạm chi. Đặc biệt, hiện nay tình trạng các bệnh viện tuyến trên thoải mái khám, điều trị rồi gửi hoá đơn thanh toán về tuyến dưới đang là mối nguy lớn cho sự bình ổn của quỹ BHYT. Đối với vấn đề này, dù có đủ cơ chế để giám định viên của tỉnh được giám sát bệnh viện tuyến trên thì với số lượng, chất lượng như hiện nay, hiệu quả giám sát cũng không đáng kể. Chính vì vậy, khi tiếp nhận hoá đơn chi phí tuyến trên (6 tháng đầu năm đã là 51 tỷ đồng), hầu hết đều khẳng định là cao nhưng vẫn phải chấp nhận thanh toán vì khó có đủ cơ sở để kiểm tra, bác bỏ những chi tiết "lạm chi" được dàn dựng chu đáo (!).

Một vấn đề nữa liên quan đến công tác giám định chi là giá thuốc. Đại diện BHXH tỉnh cho biết quỹ BHYT hiện nay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của các cơ sở khám chữa bệnh, kể cả tỉnh ta cũng như trên toàn quốc. Trong đó tại tỉnh ta, chi phí tiền thuốc chiếm tới trên 60% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Phân tích chuyên môn cho thấy chi phí trên là phi thực tế. Nguyên nhân là giá thuốc hiện nay do cơ sở y tế cấp cho bệnh nhân rồi thanh toán với quỹ BHYT đang cao hơn giá thuốc thực tế trên thị trường. Bên cạnh đó, trong danh mục thuốc, cơ sở y tế vẫn chọn những loại biệt dược đắt tiền thay cho các loại thuốc có công dụng tương đương nhưng giá thành thấp hơn nhiều. Biết rõ như vậy nhưng giám định viên vẫn phải chấp nhận ký vào biên bản giám định và hoá đơn thanh toán vì hiện nay đang có một nghịch lý là dù giữ vai trò không thể phủ nhận nhưng BHXH, trực tiếp là đơn vị chủ quản quỹ BHYT và đội ngũ giám định viên lại chưa được tham gia vào quá trình xây dựng danh mục đấu thầu thuốc, không có thẩm quyền trong quyết định chọn thầu cấp thuốc. Theo kết quả điều tra của cơ quan BHXH Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá thuốc lên cao là do các bệnh viện chậm trả tiền thuốc, lãi suất chậm trả được cộng vào giá thành. Ngoài ra, chi phí cho việc đấu thầu rất lớn cũng được cộng luôn vào giá thuốc. Nhưng người phải trả cho những chi phí đội giá này không phải là các cơ sở y tế mà là quỹ BHYT!

Từ những phân tích đó cho thấy, đẩy mạnh hiệu quả công tác giám định chi chính là giải pháp quan trọng để bình ổn, hạn chế lạm chi và nguy cơ vỡ quỹ BHYT. Để thực hiện giải pháp trên, cần từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giám định viên BHYT trong tỉnh. Bên cạnh đó, ngành BHXH cần sớm có các kiến nghị, đề xuất với chính phủ, các bộ, ngành chức năng về bổ sung, sửa đổi cơ chế, quy định, bảo đảm giám định viên có đủ thẩm quyền, chức năng trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ BHYT, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân./.

Hoàng Văn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com