Đội ngũ giáo viên trước yêu cầu đào tạo và tự đào tạo

09:11, 19/11/2010

 Trong GD-ĐT, chất lượng đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục toàn diện  ở từng bậc học và trong toàn bộ hệ  thống giáo dục. Trước yêu cầu đổi mới GD-ĐT và hội nhập, đòi hỏi mỗi giáo viên phải được đào tạo và tự đào tạo lại nhằm cập nhật kiến thức mới và phương pháp giảng dạy khoa học, hiện đại để đem lại hiệu quả cao nhất.

Thực hành lắp ráp, sửa chữa mạch máy tính ở Trường Cao đẳng nghề Nam Định.  Ảnh: Xuân Thu
Thực hành lắp ráp, sửa chữa mạch máy tính ở Trường Cao đẳng nghề Nam Định.
Ảnh: Xuân Thu

Những năm gần đây, ngành GD-ĐT  đã triển khai chương trình sách giáo khoa mới và tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin, những trang thiết bị hiện đại cùng với đổi mới phương pháp dạy và học thì những yêu cầu và thách thức càng trở nên căng thẳng đối với sự tồn tại với từng giáo viên. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hàng năm ngành GD-ĐT tỉnh đã mở hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên. Căn cứ vào yêu cầu của từng bộ môn, các lớp tập huấn được tổ chức dưới hình thức liên huyện hoặc theo từng huyện và thành phố cho 100% giáo viên dạy học theo chương trình mới hoặc rút kinh nghiệm cho những nội dung, chương trình đã triển khai. Công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ, thanh tra chuyên đề và tổ chức hội thảo, hội giảng, dự giờ được triển khai thường xuyên ở cấp trường, cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh. Đây là hướng bồi dưỡng, đào tạo mang tính thực tiễn và hiệu quả cao. Từ các đợt hội thảo, hội giảng, những vấn đề "vướng mắc" trong thực hiện chương trình đã được chính giáo viên cùng nhau giải quyết thỏa đáng. Hình thức hội thảo, hội giảng, dự giờ đã tạo môi trường thi đua để mỗi giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp chăm lo, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Phương pháp dạy và học chỉ  thực sự đổi mới khi chính giáo viên có nhu cầu và có môi trường tốt để ứng dụng trong quá trình đào tạo. Đã có nhiều sinh viên khi ra trường có bằng tốt nghiệp loại khá và giỏi nhưng khi đứng trên bục giảng chỉ được đánh giá ở mức trung bình bởi ở trong các trường sư phạm, sinh viên chỉ được trang bị những kiến thức, hiểu biết cơ bản của nghề dạy học, còn những kỹ năng cơ bản, nghiệp vụ sư phạm, thậm chí cả kiến thức chuyên sâu một mặt nào đó về bộ môn, giáo viên phải có sự lĩnh hội trong quá trình công tác, giảng dạy, phải tích cực tự học hỏi thêm qua đồng nghiệp, tự bổ sung kiến thức, gắn ý thức với trách nhiệm cao đối với công việc của mình là đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước. Vì vậy, mỗi giáo viên phải luôn phấn đấu không ngừng và coi khả năng tự đào tạo lại của mình là một yêu cầu bắt buộc để trước hết đạt chuẩn và trên chuẩn của bậc đào tạo, không ngừng học tập nâng cao kiến thức chuyên môn và những hiểu biết sâu rộng về văn hóa xã hội. Những năm gần đây, cô giáo Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên dạy môn Sinh học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày càng có nhiều trò giỏi, bởi cô đã dành hầu hết thời gian ngoài giờ lên lớp để đọc các giáo trình có liên quan đến môn dạy của mình từ mạng internet, từ các thư viện điện tử trong và ngoài nước để cập nhật và chuẩn hóa kiến thức, đồng thời sớm học hỏi để có thể ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong soạn bài và giảng dạy, chuyển lối học thụ động của học sinh sang lối học chủ động và từ được đào tạo sang tự đào tạo. Từ năm học 2007-2008 đến nay, đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học của tỉnh do cô phụ trách đã liên tục đoạt giải cao với 17 giải quốc gia gồm 3 giải nhất, 9 giải nhì, 7 giải ba, trong đó có 2 học sinh được gọi vào đội tuyển chọn học sinh đi thi quốc tế. Theo cô, con đường ngắn nhất để người giáo viên đạt được kết quả tốt nhất trong giảng dạy phải là tự học, tự nghiên cứu. Nếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy môn chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi không có ý thức tự đào tạo để vươn lên thì sẽ không bắt nhịp được với sự đổi mới trong giáo dục hiện nay. Hiện tại, đội ngũ giáo viên của tỉnh có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn khá cao, song với mỗi giáo viên đều ý thức như thế là chưa đủ(!). Bởi, với đặc trưng của nghề thì người thầy luôn được coi là "Tấm gương sáng cho học sinh noi theo’’ về mọi mặt. Người thầy không chỉ đạt chuẩn về trình độ, vì đây mới là nền về kiến thức chuyên môn, còn để trở thành người "dạy chữ, dạy người’’ thì người thầy còn phải học kiến thức trong xã hội và rèn luyện trong cuộc sống. Đó là rèn về khả năng ứng xử các tình huống sư phạm, rèn đạo đức, tác phong, lối sống. Tuy chưa có một văn bản chính thức nào của ngành GD-ĐT về việc đào tạo và tự đào tạo của giáo viên đang đứng trên bục giảng, nhưng những quy định, quy chế chuyên môn đều bao hàm nhiệm vụ đào tạo lại giáo viên và coi đó là công việc có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hàng loạt quy định nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ giáo viên như: Duyệt hồ sơ, giáo án, tổ chức thao giảng, quy định số tiết dự giờ, tổ chức các kỳ thi chọn giáo viên giỏi các cấp, tổ chức các đợt học tập chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng thường xuyên… thực sự là công việc rất quan trọng để giáo viên tiếp tục được đào tạo và tự đào tạo. Vấn đề là làm sao tổ chức các hoạt động này thực sự có hiệu quả, nhất là làm sao để toàn thể cán bộ, giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động trên đối với việc đào tạo và tự đào tạo giáo viên ở từng trường. Công việc đó đòi hỏi phải được làm thường xuyên, liên tục với nỗ lực cao từ mỗi cá nhân để tiếp tục góp phần giữ vững và phát huy truyền thống thi đua "Dạy tốt, học tốt’’ với 16 năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu về GD-ĐT cả nước./.

Minh Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com