Ảnh minh họa. Nguồn : Internet |
Về xã Liên Minh (Vụ Bản) hôm nay, đi trên những con đường làng trải nhựa xuyên qua các thôn xóm, nhìn những giàn ăng ten nhấp nhô trên nóc những ngôi nhà kiên cố, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi đây. Công cuộc xây dựng làng văn hóa, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, phát triển ngành nghề đã và đang đem lại cho Liên Minh một sắc thái mới. Hầu hết các hộ trong xã đều đã có nhà mái ngói, mái bằng hoặc cao tầng. Các công trình "điện, đường, trường, trạm" đều được hoàn thiện. Từ lâu, Liên Minh đã hình thành được thị tứ với những hoạt động sản xuất, giao lưu buôn bán tấp nập với các xã trong khu vực, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của xã phát triển. 100% các thôn xóm của Liên Minh đều đã xây dựng hương ước làng văn hóa. 14/15 làng, thôn, xóm được công nhận làng văn hóa, đạt tỷ lệ 93%; trên 80% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. Liên Minh là xã tiên phong của huyện Vụ Bản trong phong trào xây dựng làng văn hóa.
Từ mô hình điểm Liên Minh, đến nay phong trào xây dựng làng văn hoá đã phát triển sâu rộng trong toàn huyện Vụ Bản. Ðiểm nổi bật trong xây dựng làng văn hóa ở Liên Minh và ở huyện Vụ Bản là trên cơ sở những nét văn hóa truyền thống đặc trưng được chọn lọc, bảo lưu để làm hành trang trong công cuộc xây dựng làng văn hoá. Ðến nay, Vụ Bản đã có 154/223 làng, thôn, xóm được công nhận làng văn hóa, 15/18 trạm y tế, 56/63 trường học, 58/73 cơ quan được công nhận đơn vị có nếp sống văn hóa, 75% số hộ gia đình trên toàn huyện đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Công tác xây dựng làng văn hóa ở Vụ Bản những năm qua đã góp phần phục vụ việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn hôm nay. Từ những năm 1990, phong trào xây dựng làng văn hóa ở Vụ Bản đã được phát động sôi nổi, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Năm 1996, làng Trung Nghĩa (xã Liên Minh) là một trong những làng đầu tiên của tỉnh được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh. Ðến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều đã xây dựng được quy ước làng văn hóa. Việc xây dựng các quy ước làng văn hóa đều gắn với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gắn với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Việc xây dựng quy ước làng văn hóa cũng chính là những ràng buộc để các thành viên trong làng cùng nhau đoàn kết để phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Từ khi phát động phong trào xây dựng làng văn hóa đến nay, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn huyện nói chung và ở các làng quê nói riêng đã có những chuyển biến mới. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh, đã phát huy được mọi nguồn lực trong nhân dân, góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trong nhiều năm qua, hệ thống đường giao thông nông thôn ở Vụ Bản đã được thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" nên hầu hết đường làng ngõ xóm ở các làng văn hóa đều được “bê tông hóa”. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng làng văn hóa đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trong gia đình, trong cộng đồng thôn xóm được bồi đắp, phát huy. An ninh trật tự được bảo đảm. Việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Ðã có 75% tổng số các đám cưới được tổ chức theo nếp sống văn hóa, trong đó số gia đình cán bộ, đảng viên tổ chức đám cưới theo nếp sống văn hóa đạt tỷ lệ 89%. Phong trào xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội được cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo. Phong trào VHVN, TDTT được đẩy mạnh ở tất cả các thôn xóm, các cơ quan đơn vị. Hàng năm có ít nhất 2 lần hội diễn nghệ thuật quần chúng tại huyện với lực lượng tham gia đông đảo, thông qua hoạt động văn hóa văn nghệ lồng ghép tuyên truyền thực hiện phong trào TDÐKXDÐSVH. Ở tất cả các thôn, xóm của Vụ Bản đều xây dựng các câu lạc bộ TDTT, thu hút 25% dân số thường xuyên tham gia tập luyện. Tiêu biểu trong phong trào xây dựng làng văn hóa là các xã: Hiển Khánh, có 11/11 làng được công nhận làng văn hóa; Liên Minh có 14/15 làng được công nhận làng văn hóa; Trung Thành có 11/13 làng được công nhận làng văn hóa, Ðại Thắng có 14/17 làng được công nhận làng văn hóa; thị trấn Gôi có 7/9 làng được công nhận làng văn hóa, xã Kim Thái có 10/13 làng được công nhận làng văn hóa…
Kết quả đạt được trong phong trào xây dựng làng văn hóa ở Vụ Bản là do Ðảng bộ, chính quyền huyện Vụ Bản đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo nhân dân thực hiện phong trào TDÐKXDÐSVH và các tầng lớp nhân dân đã biết đoàn kết, phát huy nội lực cùng nhau phấn đấu vươn lên xây dựng nông thôn mới ấm no hạnh phúc./.
Minh Thuận