Từ xưa đến nay, dù ở các quốc gia có chế độ chính trị, kinh tế- xã hội, phong tục tập quán khác nhau, nhưng trong hoàn cảnh nào thì người thầy giáo và ngành giáo dục luôn được xã hội đánh giá cao, tôn vinh, coi trọng và dành cho nhiều sự quan tâm ưu đãi. Người thầy luôn được đặt vào trung tâm của các chiến lược phát triển và chấn hưng nền giáo dục. Cụ thể: ở Pháp, người thầy được xem là "Sứ giả trí tuệ của nhân loại". Ở Mỹ, năm 1971 thượng và hạ nghị viện đã quyết định lấy ngày 28-9 hàng năm là ngày Hiến chương các Nhà giáo và tổ chức tưng bừng, trọng thể, tuyên dương thành tích của ngành giáo dục. Ở Vênêzuêla, Tổng thống nước này đích thân chủ trì hoạt động chúc mừng các nhà giáo tại thủ đô và trao giải thưởng cho các nhà giáo ưu tú. Ở Trung Hoa, việc kính thầy, trọng đạo đã trở thành khuôn vàng thước ngọc trong ứng xử, quan hệ thầy trò, người thầy giáo luôn được coi trọng trong hàng nghìn năm phát triển của nền Nho học. Ví như Tử Trương là kẻ nghèo hèn của nước Lỗ, Nhan Trác Tụ là kẻ cướp lừng danh ở Lương Phủ Sơn cũng đều tìm đến và theo học Khổng Tử (người được tôn vinh là "Vạn thế sư biểu" - Người thầy của muôn đời). Củng cố và khẳng định vai trò, vị trí của người thầy đối với mỗi quốc gia và toàn nhân loại, tháng 7-1946 tại Paris (thủ đô Cộng hoà Pháp), Tổ chức các nhà giáo tiến bộ trên thế giới được thành lập lấy tên là "Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục" (Federation International Syndicale des Enseignats, viết tắt là FISE). Ba năm sau, vào năm 1949, tại Vacsava (thủ đô Ba Lan), tổ chức FISE họp hội nghị thông qua một bản Hiến chương gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học, tôn vinh vai trò, địa vị cao quý của nhà giáo. Từ ngày 26 đến 30-8-1957, tại Vacsava, Hội nghị FISE được tổ chức đã thông qua bản Hiến chương Quốc tế các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là ngày "Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo". Đối với Việt Nam "tôn sư trọng đạo" là một giá trị truyền thống lâu đời, quý báu của dân tộc ta. Đây là giá trị văn hoá phản ánh triết lý nhân văn cao đẹp trong phương châm xây dựng, phát triển nền giáo dục của dân tộc ta. Truyền thống này đã được nhân dân ta xây dựng, bảo tồn, gìn giữ và thể hiện trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày, trong những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Không thầy đố mày làm nên", "Bồng bồng mẹ bế con sang, đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo, muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Dưới chế độ phong kiến, người thầy tuy giữ vị trí thứ hai theo trật tự của lễ giáo: Quân - Sư - Phụ, nhưng luôn được kính thờ "Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi, Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng". Tôn kính thầy là một phong tục đã ăn sâu vào tập quán của mọi vùng quê, mọi tầng lớp xã hội có giá trị nhân văn cao cả và sâu sắc, đạo thầy trò luôn luôn được giữ gìn lưu truyền: "Mười năm, rèn luyện sách đèn. Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy". Dưới thời Vua Lê Thánh Tông, đạo nghĩa thầy - trò đã được luật hoá. Điều 90 Bộ luật Hồng Đức đã quy định: "Học trò phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường học, lấy đức hạnh làm gốc, không được khinh nhờn thầy, bỏ mất lễ phép. Ai trái lệnh sẽ bị tội tám mươi trượng". Trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều thầy giáo mẫu mực về nhân cách và phẩm giá, cống hiến năng lực và đóng góp tâm, trí, tài lực và những học trò ưu tú cho quốc gia, dân tộc. Đời nhà Trần, có thầy Chu Văn An đã được triều đình mời ra làm tế tửu (chức danh hiệu trưởng) của Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước Đại Việt. Lê Quát, Phạm Sư Mạnh những học trò thành danh của thầy Chu Văn An, khi đã thành danh nắm giữ các chức vụ cao trong triều đình, mỗi lần về quê vấn an thầy phải đứng ngoài khi thầy cho phép mới được vào.
Nhà giáo Bùi Thị Hiền, Trường THCS Quang Trung (TP Nam Định) vừa vinh dự được công nhận "Giáo viên Ưu tú Thành Nam" với các em học sinh giỏi.
Ảnh:
Xuân Trường
|
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, truyền thống "tôn sư trọng đạo" càng được củng cố và phát triển. Người thầy được vinh danh là người anh hùng trên lĩnh vực văn hoá xã hội, là người "gieo mầm xanh cách mạng" cho chế độ xã hội chủ nghĩa. Người thầy luôn là hình ảnh tiêu biểu cho phẩm giá cao quý, trong sáng của đạo đức, nhân cách con người. Cũng trong thời kỳ này đất nước ta đã xuất hiện nhiều người thầy mẫu mực về nhân cách và năng lực được xã hội kính trọng như: Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng. Nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21-10-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản... ? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh...". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: "Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo". Thấm nhuần tư tưởng của các bậc tiền nhân và góp phần khẳng định, củng cố giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua mấy nghìn năm lịch sử, ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là quyết định thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giới chức làm trong ngành giáo dục, đánh giá cao vị trí, vai trò của lớp lớp các thế hệ những người làm công tác giáo dục nước ta. Ngày 2-12-1998, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X đã thông qua Luật Giáo dục (1998). Điều 66 luật này quy định: "Ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam". Ngày 14-6-2005 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI đã thông qua Luật Giáo dục 2005. Điều 76 luật này quy định: "Ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam". Điều luật trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn đang được nhân dân ta và bao thế hệ học trò tiếp tục gìn giữ và phát huy. Hàng năm, bên cạnh phong tục "mồng ba tết thầy", vào dịp 20-11, nhân dân ta và các thế hệ học trò lại tổ chức thăm hỏi, quan tâm hoặc trao đổi với các thầy giáo và những người làm công tác giáo dục về sự nghiệp bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ. Đây cũng là thời điểm để tất cả các lực lượng trong xã hội thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn và động viên, cổ vũ các nhà giáo vượt mọi khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm, làm tròn sứ mệnh "trồng người" vẻ vang của mình. Đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, chiến lược phát triển kinh tế xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã thu được nhiều thành tựu to lớn, kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ. Đời sống nhà giáo đã được cải thiện, sinh viên theo học ngành sư phạm được Nhà nước quan tâm với nhiều chế độ ưu đãi, các trường sư phạm đã được đầu tư xây dựng do đó đã thu hút được nhiều sinh viên tài năng vào học, chất lượng đội ngũ giáo viên vì vậy ngày càng được nâng cao. Với danh hiệu "Người kỹ sư tâm hồn", có biết bao nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác - những người đang mang tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người". Nhiều thầy giáo không quản gian lao, vất vả đi đến mọi miền của Tổ quốc, đem khát vọng, niềm tin của khối óc và con tim thắp sáng tâm hồn, vun trồng những ước mơ xanh của biết bao trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với lớp lớp thế hệ các nhà giáo cách mạng, những người thầy giáo - người chiến sỹ - cũng đang hoà mình vào sự nghiệp vun trồng ước mơ, hoài bão của biết bao các em học sinh trên những miền biên cương, vùng đồng bào dân tộc khó khăn... Nhiều thầy giáo - chiến sỹ - không quản đường sá xa xôi, vất vả, đem cái chữ đến với bản làng, mang ánh sáng văn hoá, đường lối quan điểm của Đảng đến với đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc làm đó không chỉ tôn thêm hình tượng người thầy mà còn làm rạng rỡ hình ảnh của "Anh bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, truyền thống tôn sư trọng đạo cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức to lớn. Dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực của đời sống xã hội, một bộ phận nhà giáo đã thiếu tâm huyết với nghề, đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp, xu hướng thương mại hoá giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giáo viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề sư phạm. Một số thầy cô giáo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật trong ứng xử học đường. Vì thế, một số học sinh, cha mẹ học sinh nhìn nhà giáo với con mắt khác, truyền thống "tôn sư trọng đạo" bị tổn thương.
"Tôn sư trọng đạo" là một nét đẹp văn hoá của người Việt nói riêng và người dân các quốc gia trên thế giới nói chung đã tồn tại từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay. Đối với Việt Nam, chúng ta đang tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" kết hợp với phong trào xây dựng đội ngũ nhà giáo thành những tấm gương về "đạo đức, tự học và sáng tạo" là thể hiện lòng kính trọng, ước mong và quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ thầy giáo tu dưỡng, rèn luyện thành những tấm gương sáng, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người - một nét tri ân và thể hiện tình cảm sâu sắc với những người "đi gieo hạt giống đẹp". Nhân ngày 20-11, xin kính gửi tới các thầy, các cô những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm nhất và hướng về các thầy, các cô với tấm lòng thành kính, biết ơn công lao dạy dỗ với đạo lý: Uống nước nhớ nguồn./.
Phạm Hồng Quân