Qua 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, huyện Xuân Trường có 206 làng, thôn, xóm đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, 28.500 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, 166 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”. Một trong những thành tích nổi bật của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Xuân Trường là công tác xây dựng thiết chế văn hoá thông qua công tác xã hội hoá. Ban chỉ đạo phong trào của huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, ban hành nhiều “cơ chế” khuyến khích xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm. Đến nay, nhân dân đã đóng góp tiền, ngày công để cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã, xây dựng các công trình phúc lợi về y tế, giáo dục và đưa vào sử dụng 202 nhà văn hóa, 20 thư viện văn hóa xã, 150 câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao.
Tiết mục văn nghệ của thiếu nhi TP Nam Định tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh lần thứ VIII.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Điều đáng ghi nhận trong phong trào xây dựng nhà văn hoá, làng văn hoá, gia đình văn hoá ở huyện Xuân Trường là không chạy theo hình thức, mà luôn coi trọng yếu tố chất lượng. chúng tôi về thăm nhà văn hoá xóm 2, xã Xuân Phương. Toàn xóm có 126 hộ dân, trên 500 nhân khẩu, 12 năm liền, xóm 2 không có trường hợp sinh con thứ 3, không có người nghiện hút và các tai tệ nạn xã hội, bình quân thu nhập đầu người đạt 11 triệu đồng/năm; 97% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, là một trong những xóm đầu tiên của huyện đạt danh hiệu Làng văn hoá cấp tỉnh. Đồng chí Trần Văn Chiến, Bí thư chi bộ xóm 2 cho biết: Để có được công trình nhà văn hoá khang trang, hoạt động hiệu quả như hiện nay là công sức của người dân trong xóm đóng góp gây dựng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2005, nhà văn hóa xóm 2 được xây dựng trên diện tích 1.000 m2, trị giá 125 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 90 triệu đồng. Nhiều năm qua, nhà văn hóa xóm là nơi hội họp, sinh hoạt của chi bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như: Chi hội Người cao tuổi, chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Phụ nữ, Chi Đoàn Thanh niên… Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của tổ chức Đảng, đoàn thể, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được cụ thể hoá bằng những phong trào, việc làm thiết thực, tạo tiền đề giúp bà con xóm 2 “xoá đói, giảm nghèo” xây dựng quê hương. Gia đình ông Phạm Văn Khoan là tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi. Ông cho biết, qua các buổi sinh hoạt Chi hội Cựu chiến binh, ông được tiếp cận với nhiều mô hình, phương pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng trong phát triển kinh tế hộ. Ông mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế theo hướng nuôi bò, lợn, thả cá. Với đức tính cần cù, năng động, từ một gia đình thuộc diện “xoá đói, giảm nghèo”, đến nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi 20-25 triệu đồng. Ở xóm 2 còn có ông Phan Văn Ngoãn, Đỗ Văn Sỹ, Phạm Văn Việt… là những hộ tiêu biểu phát triển kinh tế gia đình từ nghề trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, dịch vụ. Nhờ đó ở xóm 2 số hộ khá, giàu chiếm trên 40%; 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn, tình hình an ninh được giữ vững, không có tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Kinh tế phát triển, các hoạt động giải trí được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng với hơn 1,4 km đường dong, ngõ xóm được bê tông hoá với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. 100% số hộ trong xóm đăng ký thực hiện phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”, “Xây dựng thôn, xóm không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội”. Công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, con em xóm 2 thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước.
Xuân Trường là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh có sáng kiến hướng dẫn chuyên đề thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hoá mới, gắn phong trào xây dựng Làng văn hoá với việc thực hiện Chỉ thị 27 của Ban Bí thư TW. Do đó, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế có nếp sống văn hóa, xây dựng Làng văn hoá, Gia đình văn hoá ở Xuân Trường được triển khai sâu rộng. Đến nay, toàn huyện có 70% số cơ quan đăng ký xây dựng Nếp sống văn hóa; 100% trường học ký xây dựng trường đạt tiêu chuẩn Nếp sống văn hóa, gắn với việc thực hiện phong trào “Dạy tốt, học tốt” và cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và công tác quản lý lễ hội được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Toàn huyện có 800 từ đường, trên 100 đền, chùa, 70 nhà thờ, trong đó có 29 di tích được Nhà nước xếp hạng. Trong các lễ hội các hình thức hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: bơi chải, nấu cơm thi, võ vật, cờ người, múa lân, múa rồng, tổ tôm điếm, hát chèo được khơi dậy. Thông qua việc tổ chức lễ hội đã góp phần giáo dục về ý thức trân trọng, gìn giữ và bảo vệ các tinh hoa văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quê hương cho các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tình làng nghĩa xóm được củng cố, ngăn chặn các tai, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn thôn, xóm./.
Việt Thắng