Những giáo viên giàu năng lực và tâm huyết với nghề

09:11, 19/11/2010

 Là giáo viên mầm non của xã từ đầu những năm 1980, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, đồng lương eo hẹp, nhưng cô giáo Phạm Thị Lan, xã Yên Cường (Ý Yên) vẫn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2002, khi đã là hiệu phó trường mầm non Họa Mi của xã, trước thực trạng các lớp của trường còn rải rác ở 15 khu dân cư, cô đã cùng với ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch và đề nghị xã cho đầu tư xây dựng trường mầm non Họa Mi thành một khu tập trung. Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã cùng sự đồng thuận của nhân dân, trường mầm non Họa Mi đã được cấp 3526 m2 đất để xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia, gồm 10 phòng học, các phòng chức năng, phòng hiệu bộ, khu vui chơi cho trẻ. Năm 2005, cô được đề bạt làm hiệu trưởng nhà trường, đồng thời, trường mầm non Họa Mi được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trên cương vị mới, cô tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên vừa có trình độ chuyên môn, vừa tâm huyết với nghề. Cô đi học lớp đại học, lớp tin học để đáp ứng nhu cầu quản lý và giảng dạy trong giai đoạn mới, đồng thời tự nghiên cứu các tài liệu và phương pháp giảng dạy mới, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng và giảng dạy trên lớp cũng như công tác quản lý nhà trường. Cô đã tìm hiểu, xây dựng giáo án điện tử và thiết kế thành công nhiều trò chơi điện tử, giúp cho các cháu mẫu giáo "vừa học, vừa chơi", lại phát huy được khả năng sáng tạo, kích thích khả năng tư duy của trẻ. Noi gương cô hiệu trưởng, đội ngũ giáo viên của trường cũng luân phiên nhau đi học và đến nay, nhà trường đã có 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 9 giáo viên có trình độ cao đẳng, 7 giáo viên có trình độ đại học và 7 giáo viên đang theo học lớp cao đẳng mầm non. 70% giáo viên của trường đã có chứng chỉ tin học, 50% biết soạn giảng bằng giáo án điện tử. Năm học 2006-2007, cô Lan và đồng nghiệp đã có bộ đồ dùng dạy học đoạt giải ba trong kỳ thi làm đồ dùng dạy học do Bộ GD-ĐT tổ chức. Năm học 2009-2010, cô Lan tiếp tục thiết kế giáo án điện tử gồm các trò chơi trên máy tính và đã đoạt giải xuất sắc trong cuộc thi triển lãm đồ dùng, đồ chơi cấp tỉnh. Từ hiệu quả của việc giảng dạy và thiết kế đồ chơi trên máy tính, được sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, các bậc phụ huynh trong công tác xã hội hóa giáo dục, đến nay, nhà trường đã có 11 bộ máy tính, 1 máy chiếu đa năng để phục vụ trong học tập và giảng dạy. Các cháu trong các lớp nhà trẻ đều được học tập, sử dụng thành thạo và chơi các trò chơi bổ ích, có tính giáo dục cao trên máy tính. Là địa phương thuần nông, nên hàng năm, kinh phí để các cô mua sắm đồ chơi cho các cháu gặp nhiều khó khăn, nhưng với khả năng sáng tạo, tận tụy với học sinh, các cô giáo trường mầm non Họa Mi còn tự làm ra nhiều đồ dùng đồ chơi sinh động từ việc tận dụng các vật phế phẩm cho các cháu. Đội ngũ giáo viên trong trường đã tận dụng 2000m2 vườn trường để trồng rau sạch phục vụ cho các cháu ăn bán trú và tạo được nguồn thu nhập cho nhà trường. Với năng lực và tâm huyết của cô Phạm Thị Lan cùng đồng nghiệp, hàng năm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của nhà trường đều giảm từ 1,5 đến 2%. Các cháu trong độ tuổi mầm non ra lớp đạt 100%. Các cháu đến trường đều phát huy được khả năng tư duy, tạo nền móng tốt để chuẩn bị bước vào lớp 1.

 

Cô giáo Phạm Thị Lan, trường mầm non Họa My, xã Yên Cường (Ý Yên) ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Cô giáo Phạm Thị Lan, trường mầm non Họa My, xã Yên Cường (Ý Yên) ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) có một tập thể giáo viên giàu năng lực giảng dạy và luôn nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Trưởng thành từ một giáo viên dạy giỏi, cô giáo hiệu trưởng Đinh Thị Tú luôn quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên. Nhà trường thường xuyên cung cấp cho giáo viên những tài liệu, sách báo cần thiết để nghiên cứu, cập nhật với việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Các buổi dự giờ, hội thảo, hội giảng hay tham quan học tập đều được tổ chức chu đáo, nghiêm túc, mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể thấy ở mái trường này những trang giáo án, giờ lên lớp mẫu mực. Đúc rút kinh nghiệm qua quá trình giảng dạy, một số sáng kiến kinh nghiệm của nhà trường được ngành GD-ĐT công nhận áp dụng vào quản lý, giảng dạy đạt hiệu quả tốt. Là trường được ngành GD-ĐT tin tưởng giao nhiệm vụ đi tiên phong thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông theo mục tiêu của bậc tiểu học, ngay từ lúc cơ sở vật chất còn hạn chế, khuôn viên chật hẹp, tập thể sư phạm nhà trường đã vượt mọi khó khăn, phấn đấu từng bước đưa nhà trường trở thành môi trường học tập, tu dưỡng lý tưởng cho lứa tuổi măng non, được nhân dân tin tưởng. Là một trong số ít trường tiểu học dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giảng dạy, mỗi giáo viên nhà trường đều xác định, đã là giáo viên của trường phải là những người thầy giỏi có tấm lòng với nghề nghiệp. Hàng năm, hiệu trưởng Đinh Thị Tú đều xây dựng kế hoạch tập trung bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên chuyển khối, giáo viên mới về trường và tuyển lựa giáo viên có năng lực, tâm huyết đáp ứng được nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Phong trào tự làm đồ dùng dạy học được duy trì hàng năm và có hàng chục đề tài được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực chuyên môn. Luôn coi trọng việc dạy chữ đi đôi với "dạy người", mỗi giáo viên nhà trường đều trăn trở làm thế nào để học sinh vừa có hứng thú học tập, vừa hình thành nhân cách để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt. Học sinh của trường năm nào cũng đạt tỷ lệ chăm ngoan, học giỏi cao, bởi sự công phu giáo dục của các thầy cô. Dạy học sinh bán trú suốt ngày ở trường, về nhà lại tập trung cho việc soạn giáo án, chấm bài, nhưng các cô giáo ở trường Phạm Hồng Thái đều là những người "giỏi việc trường, đảm việc nhà’’, nuôi dạy con học hành thành đạt. Các thế hệ giáo viên: Lê Mơ, Hà Minh Chi, Vũ Trọng Hiến, Phạm Mai, Phạm Hằng Nga, Lê Lan, Hoàng Thị Tùy, Trần Thị Thoa, Đinh Thị Tú, Bùi Ngọc Dung, Ngô Thị Hòa, Trần Thu Hằng, Tống Phương Liên, Bùi Tuyết Nhung, Phạm Minh Hương, Vũ Thúy Vân… đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng các thế hệ học trò. Với sự giáo dục, rèn luyện của những người thầy tài năng, tâm huyết với nghề, đã có hàng trăm học sinh của trường đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh và thành phố.

Mỗi năm học qua đi, dịp 20-11 đã đến, lại có thêm hàng trăm giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề được khen thưởng, tôn vinh. Họ có thể là những giáo viên mầm non, tiểu học hay THCS, THPT, nhưng với sự say mê, tâm huyết với nghề, các thầy cô vẫn miệt mài bên trang giáo án, hết lòng vì học sinh thân yêu, không ngừng nêu cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com