Nghĩ về "Tiên học lễ..."

09:11, 19/11/2010

Hiện nay, câu thành ngữ  "Tiên học lễ, hậu học văn’’ được treo trang trọng ở hầu hết các trường học. Câu thành ngữ trên hàm chứa triết lý giáo dục và là "kim chỉ nam’’ cho sự nghiệp giáo dục ở bất cứ thời nào. Thế nhưng, việc "học lễ’’ của học sinh đang có những biểu hiện đáng lo ngại.

Trao đổi với chúng tôi, về vấn đề này cô giáo Nguyễn Thu H, giáo viên nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp ở một trường THPT trên địa bàn thành phố Nam Định cho biết: "Học sinh cá biệt ngày một nhiều. Ở một trường có chất lượng "đầu vào’’ thấp,  nhiều em học sinh không chí thú học hành. Chuyện cãi nhau, đánh nhau, nói tục, cư xử thiếu văn hóa, bỏ học… diễn ra thường xuyên khiến giáo viên chủ nhiệm phải giải quyết các vi phạm mà trước đây không có. Nếu giải quyết không khéo, học sinh sẵn sàng cãi lại hoặc có những hành động không đúng mực với giáo viên". Không chỉ cô H, nhiều giáo viên trẻ mới ra trường cũng tâm sự, họ lên lớp không lo về kiến thức và năng lực sư phạm của mình mà "lo’’ những học sinh cá biệt trong lớp phá phách không chịu học. Thực tế đã có những giáo viên bất lực với những học sinh này, thậm chí có giáo viên còn bị học sinh đánh, như trường hợp xảy ra năm 2009 tại trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường). Do có vi phạm và bị thầy giáo nhắc nhở nhiều lần, Nguyễn Văn Tiến (SN 1993) trú tại tổ 12 thị trấn Xuân Trường đã dùng dao chém thầy giáo Tô Văn Khánh bị thương. Ở trường THCS T.V (TP Nam Định) và ở trường T (Ý Yên) cũng đã xảy ra trường hợp, do học sinh vô lễ nhiều lần, giáo viên không kiềm chế đã tát học sinh. Gia đình những học sinh này không những không phối hợp giáo dục học sinh mà còn làm đơn kiện nhà trường, kiện giáo viên và yêu cầu giáo viên đó phải đến nhà xin lỗi gia đình và học sinh. Sự việc sau đó được giải quyết ổn thỏa, hợp tình hợp lý, nhưng chuyện không phải chỉ đơn giản như vậy. Dư luận trong học sinh và một số phụ huynh cho rằng, giáo viên không có quyền đánh học sinh và nếu động đến học sinh, họ sẽ kiện nên nhiều học sinh đã có biểu hiện không nghe lời, cãi lại, thậm chí thách thức giáo viên. Điều đó đã tạo ra tiền lệ xấu trong học đường, xuất hiện tư tưởng né tránh, ngại "đụng chạm’’ của giáo viên với những hành động hỗn láo của một số học sinh cá biệt. Có một thực tế làm chúng ta phải suy ngẫm là hầu hết những giáo viên đánh hoặc có hành động quá tay trong việc giáo dục học sinh trong những năm vừa qua là những giáo viên dạy giỏi. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ quản lý giáo dục khẳng định, thường giáo viên có giỏi hoặc giáo viên lớn tuổi mới có thể "mạnh tay’’ trong việc dạy dỗ học sinh như thế!? 

Chúng em chúc mừng cô.
Chúng em chúc mừng cô.

Trong xã hội hiện nay, khi lối sống thực dụng, vô  cảm xuất hiện trong một bộ phận thanh thiếu niên thì giáo dục tất nhiên không thể là "ốc đảo" có thể cách ly học sinh. Nhưng, xã hội cũng không khỏi băn khoăn, thậm chí đau lòng khi còn một bộ phận học sinh hư hỏng, không kính trọng thầy cô, yêu mến bạn bè. Dưới tác động của cơ chế thị trường, truyền thống tôn sư trọng đạo, "tiên học lễ…’’ đang có dấu hiệu phai nhạt. Việc mở cửa hội nhập, toàn cầu hóa về kinh tế, văn hóa, lối sống, đặc biệt là trong điều kiện cơ chế thị trường, nhiều yếu tố mới đang tác động đến đạo thầy, đạo trò và quan hệ thầy trò. Học sinh không biết xấu hổ, tự trọng trong việc quay cóp, thuê thi, thuê làm luận văn… Khi ra đường, học sinh đi vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, không tôn trọng người lớn tuổi. Về phần thầy giáo, đã dạy thì được tiền, học trò thì phải đóng góp. Việc học càng được coi trọng, các bậc cha mẹ cũng không ngại ngần, tốn kém để "yêu thầy’’ nên sự trong sáng, đẹp đẽ của đạo lý "kính thầy’’ đã không còn như xưa. Mặt khác, có những người thầy chỉ lo nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ việc dạy đạo làm người, trong đó có việc "Tiên học lễ…’’. Bên cạnh đó, những gì mà chương trình, nội dung giảng dạy của môn học dễ là môn Đạo đức và Giáo dục công dân là nền móng xây dựng đạo đức cho cả một thế hệ, thì nhiều giáo viên cho rằng còn quá nhiều bất cập, không sát với thực tế hiện nay. Nhiều người cho rằng, tại sao chương trình giáo dục đạo đức không dạy các em từ những việc rất nhỏ, rất cụ thể và không xa rời thực tế như khuyên dạy học sinh lễ phép với người lớn, biết làm thế nào để thể hiện việc kính thầy, yêu bạn, biết tránh xa những tệ nạn đang ngày càng xâm nhập vào học đường, khi về nhà, học sinh biết phụ giúp cha mẹ, biết tự học, khi ra đường biết dẫn người già, người mù qua đường… Những biện pháp nhằm khơi dậy tình yêu thương, tình bè bạn, tính tập thể, sự hy sinh vì nghĩa lớn mà đời nào cũng có, đời nào cũng cần thiết.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận hết những giá trị đạo đức mà các thế hệ học sinh ngày nay đối với các thầy cô của mình. Vẫn có rất nhiều em say mê học tập, luyện rèn không chỉ ở kiến thức mà còn ở đạo đức, lối sống, luôn kính trọng, mến phục thầy cô, luôn coi trọng chữ "lễ..’’. Một điều chắc chắn, những học sinh này đã được giáo dục tốt ngay từ thủa ấu thơ, được sống, phát triển trong một môi trường có gia đình hạnh phúc, cha mẹ gương mẫu, khi đến trường tiếp thu tốt những kiến thức qua sách vở, lời nói và sự gương mẫu của thầy cô, biết chắt lọc những giá trị văn hóa thông qua phim ảnh, internet…

Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói "Vì lợi  ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người’’ để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục, trong đó có giáo dục về đạo đức cho những mầm non, những chủ nhân tương lai của đất nước. Giáo dục kết hợp giữa xã hội, nhà trường và gia đình luôn phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và thiết thực hơn nữa. Bên cạnh đó, không nên xem nhẹ vai trò tích cực của các tổ chức Đoàn, Đội trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và cần chú trọng giáo dục "lễ’’ cho học sinh ngang tầm với đòi hỏi của cuộc sống. Bởi vì, dù xã hội có văn minh đến đâu thì điều đó vẫn không bao giờ là lỗi thời, lạc hậu. Và hơn hết, người giáo viên phải là tấm gương cho các em về đạo đức, về học tập. Có như thế, mỗi dịp 20-11, chúng ta không phải trầm tư bên dòng chữ "Tiên học lễ, hậu học văn’’ được treo trang trọng ở mỗi trường./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com