Mấy suy nghĩ về xây dựng mô hình “Xã văn hoá”

09:11, 26/11/2010

Tại hội nghị tổng kết 20 năm phong trào xây dựng Làng văn hoá khu vực phía Bắc diễn ra tại Thái Bình vừa qua, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” Trung ương đã khẳng định: Xây dựng mô hình “Xã văn hoá” là mục tiêu cơ bản, mang tính chiến lược lâu dài, là sự vận động tất yếu của quá trình tổ chức xây dựng đời sống văn hoá cơ sở (từ làng, thôn đến xã, phường, huyện), góp phần xây dựng nông thôn mới ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tạo thế và lực mới trong quá trình hội nhập và phát triển. Tỉnh ta là một trong 29 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã triển khai xây dựng mô hình “Xã văn hoá” bước đầu đạt kết quả tích cực, tiêu biểu là các xã : Yên Đồng (Ý Yên);  Liên Minh (Vụ Bản); Nghĩa Hoà nay là thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).

Làng Văn hóa Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Ảnh: Minh Thuận
Làng Văn hóa Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Ảnh: Minh Thuận

Mặc dù đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể về các tiêu chí xây dựng mô hình “Xã văn hoá”, nhưng trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, ở tỉnh ta Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, từng bước thử nghiệm và xây dựng tiêu chí phát triển, nhân rộng mô hình “Xã văn hoá” và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hoá. Theo tinh thần Quyết định 681 của UBND tỉnh, mô hình “Xã văn hoá” nói riêng và xây dựng nếp sống văn hoá mới phải hướng tới các vấn đề cơ bản: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý. Cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Các thiết chế văn hoá, giáo dục, y tế được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu dân trí và dân sinh. Hệ thống chính trị - xã hội ở xã, phường được củng cố vững mạnh, quy chế dân chủ được thực hiện có hiệu quả phát huy vai trò làm chủ của nhân dân vừa hưởng thụ vừa tham gia sáng tạo các giá trị văn hoá mới.

Qua phong trào xây dựng mô hình “Xã văn hoá” của 3 đơn vị (Liên Minh, Yên Đồng, thị trấn Quỹ Nhất), có thể thấy, tuy mỗi địa phương tuỳ theo đặc điểm địa văn hoá, cách làm độc lập, sáng tạo riêng, nhưng đều hướng về sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Liên Minh (Vụ Bản) chưa phải là địa phương phát triển mạnh về kinh tế, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã huy động được sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Năm 1995, Liên Minh là xã đầu tiên của huyện triển khai xây dựng quy chế Nếp sống văn hoá, chọn làng Trung Nghĩa làm điểm, từ đó, nhân rộng phong trào xây dựng Làng văn hoá, gia đình văn hoá trong toàn xã. Là vùng quê có truyền thống yêu nước và cách mạng, bên cạnh các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, xã đặc biệt chú trọng tới các vấn đề như: Xây dựng đời sống văn hoá mới gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống địa phương; xây dựng gia đình văn hoá đi đôi với các phong trào “Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, ngăn ngừa các tai tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự xã hội. Các tiêu chí, quy ước có tính sát thực với điều kiện địa phương, hợp lòng dân nên khi triển khai, được nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực. Đến nay, toàn xã có 14/15 làng đạt danh hiệu Làng văn hoá cấp tỉnh và huyện; 5/5 trường học, trạm y tế đạt danh hiệu Nếp sống văn hoá; nhiều năm liền xã không có trường hợp sinh con thứ 3; 100% các làng đã xây dựng thiết chế Nhà văn hoá, có đội văn nghệ quần chúng.

Xã Nghĩa Hoà, nay là thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) là địa phương triển khai xây dựng mô hình “Xã văn hoá” với cách làm sáng tạo, chủ động và khoa học. Đồng chí Vũ Trọng Dương, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Từ năm 2000, triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, Ban chỉ đạo phong trào đã xây dựng các đề án phù hợp với điều kiện của địa phương như: Đề án trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, phát triển CN-TTCN, dịch vụ thương mại, đề án phát triển xã hội hoá văn hoá, TDTT, xây dựng thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng gia đình văn hoá, là tiền đề cơ bản để triển khai xây dựng làng văn hoá, tiến tới xây dựng mô hình “Xã văn hoá”. Để các đề án đi vào cuộc sống, Ban chỉ đạo phong trào phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể vận động và gắn nội dung của từng đề án vào các buổi sinh hoạt CLB; đặc biệt là triển khai đề án phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển đa ngành nghề như: Vận tải, hàng hóa dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp… Toàn thị trấn hiện có 50 xe ô tô vận chuyển hành khách, 56 hộ kinh doanh vận chuyển hàng hoá, 186 hộ kinh doanh dịch vụ. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 10%/năm; năng suất lúa đạt 130 tạ/ha; giá trị canh tác đạt 65 triệu đồng/ha/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, trong đó, CN-TTCN, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 57%, nông nghiệp 43%. Bình quân thu nhập đầu người đạt 13 triệu đồng/người/năm; số hộ khá giàu chiếm gần 60%. 100% các tuyến đường liên thôn được trải nhựa, các dong ngõ được bê tông hoá, chợ Quỹ Nhất được xây dựng mới, nâng cấp bến xe khách, bến đò phà, kè đá 2,4km bờ sông Thạch Giang, xây dựng trạm xử lý rác rộng 1,5ha... với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Với cách làm sáng tạo và sự phối hợp đồng bộ nên phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở Quỹ Nhất đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 9/9 khu dân phố đạt danh hiệu khu phố văn hoá; 98% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; 3/3 trạm y tế, trường học đạt danh hiệu Nếp sống văn hoá cấp tỉnh và đạt chuẩn quốc gia; 100% khu dân phố xây dựng Nhà văn hoá với các trang thiết bị hiện đại.

Từ các mô hình trên, cho thấy, việc nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", từng bước nhân rộng mô hình "Xã văn hoá" vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng góp phần thực hiện Nghị quyết TW 7 (khoá X) của Đảng về phát triển "nông nghiệp, nông thôn, nông dân". Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình "Xã văn hoá" ở tỉnh ta, cần khắc phục những hạn chế. Điều kiện "cần và đủ" để triển khai mô hình "Xã văn hoá" là các địa phương này có tỷ lệ từ 80% - 100% các thôn, xóm, làng, khu dân cư đạt danh hiệu Nếp sống văn hoá. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tỷ lệ gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến, làng, thôn, xóm văn hoá, tổ dân phố văn hoá khá cao, nhưng nếp sống mới chậm hình thành, chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Ban chỉ đạo phong trào ở một số địa phương hoạt động còn yếu, sự phối hợp giữa các ngành thành viên trong ban chỉ đạo phong trào ở các cấp chưa thường xuyên, chặt chẽ. Phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" ở một số nơi còn nặng về hình thức, chạy đua về số lượng… Để xây dựng thành công và nhân rộng mô hình "Xã văn hoá", trong thời gian tới, cần xác định rõ mục tiêu xây dựng "Xã văn hoá" trong chiến lược phát triển phong trào xây dựng nông thôn mới; lồng ghép 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, làm tiền đề và trở thành nội dung quan trọng để triển khai xây dựng mô hình "Xã văn hoá". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội về mục tiêu, hiệu quả của phong trào. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá. Thực hiện, phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo các cấp trong việc lồng ghép thực hiện các nội dung tiêu chí chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng phong trào. Triển khai xây dựng mô hình "Xã văn hoá" gắn với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khoá XIII) về "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc"; phát huy các giá trị truyền thống văn hoá trong phong trào xây dựng Gia đình văn hoá; nâng cao hiệu quả xã hội hoá công tác xây dựng thiết chế văn hoá, đáp ứng nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ TDTT, tạo điều kiện sự tham gia sáng tạo đời sống văn hoá mới của các tầng lớp nhân dân, góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com