Làng quê xã Hồng Quang (Nam Trực) hôm nay. |
Ngay từ những năm 1995, phong trào xây dựng làng văn hoá ở huyện Nam Trực đã được phát động sôi nổi và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hoá của huyện được kiện toàn, bổ sung và có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, tạo nên sức mạnh tổng hợp làm động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào. Căn cứ vào những nội dung quy chế, tiêu chuẩn nếp sống văn hoá (NSVH) đã ban hành, Ban chỉ đạo xây dựng NSVH, Uỷ ban MTTQ huyện đã phối hợp cùng ngành văn hoá thông tin (VHTT) xây dựng chương trình phối hợp hành động thực hiện nội dung cuộc vận động TDĐKXDĐSVH bằng những giải pháp cụ thể như: Phổ biến, quán triệt sâu rộng trong nhân dân nội dung các chỉ thị, quyết định của Trung ương, của tỉnh về các quy chế, quy ước, tiêu chuẩn NSVH để nhân dân thảo luận, tự nguyện đăng ký và phấn đấu xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá gắn với việc đẩy mạnh cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư do Uỷ ban MTTQ Việt Nam phát động; Chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NSVH ở tất cả các xã, thị trấn, các cơ quan, xí nghiệp, trường học và các tiểu ban văn hóa ở thôn làng, lấy Ban công tác Mặt trận và Chi hội Người cao tuổi làm nòng cốt để tiến hành xây dựng; chỉ đạo lồng ghép các phong trào do các tổ chức thành viên của MTTQ đang triển khai với nội dung phong trào TDĐKXDĐSVH. Bằng những nội dung quan trọng đó, MTTQ huyện có trách nhiệm chỉ đạo MTTQ các xã, thị trấn chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế của địa phương, phát động toàn dân tham gia đẩy mạnh cuộc vận động. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động như: sinh hoạt CLB Người cao tuổi, CLB Thanh niên, Chi Hội Phụ nữ, Chi Hội Nông dân, Chi Hội CCB, Mặt trận và các đoàn thể đã đổi mới nội dung, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với triển khai cuộc vận động xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá… Các đoàn thể chính trị đã xây dựng nhiều chương trình giúp cho hội viên có cơ hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá. Hội CCB thông qua Ngân hàng Chính sách giúp hội viên vay 6,2 tỷ đồng, huy động quỹ hội được 535 triệu đồng cho các hội viên vay lãi suất thấp hoặc không lãi. Nhờ đó, Hội CCB đã có 98% gia đình hội viên có mức sống khá, chỉ còn 1,7% gia đình hội viên nghèo. Hội Nông dân đứng ra nhận uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền là 8,8 tỷ đồng, Ngân hàng NN-PTNT 245 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế. Hàng năm, Hội Nông dân còn tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giúp hội viên tiếp cận với khoa học kỹ thuật, góp phần đưa năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp ngày một cao. Đoàn Thanh niên thực hiện phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp xoá đói giảm nghèo”, “5 xung kích, 4 đồng hành”… nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống. Hội Phụ nữ phát động phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với xây dựng gia đình 4 chuẩn mực và đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên xoá đói, giảm nghèo…
Để chương trình phối hợp giữa hai ngành đạt kết quả tốt, ngay từ khi phát động phong trào xây dựng NSVH, MTTQ và ngành VHTT huyện đã tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền ban hành các văn bản giao trách nhiệm cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ các chi bộ, trưởng thôn, xóm cộng tác chặt chẽ với trưởng ban công tác Mặt trận, các đoàn thể ở từng khu dân cư, tổ chức quán triệt, xây dựng quy ước, đăng ký đến tận hộ dân. Hai ngành đã thống nhất chọn xã Hồng Quang và xã Nam Dương làm điểm, rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng trên địa bàn 20/20 xã, thị trấn. Hàng năm, hai ngành đều tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng bổ sung kế hoạch hướng dẫn các cơ sở tổ chức thực hiện. Để thực hiện có kết quả các nội dung phong trào TDĐKXDĐSVH, MTTQ các cấp trong huyện luôn coi trọng phát huy vai trò của người cao tuổi, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, cán bộ hưu trí làm nòng cốt để tuyên truyền, vận động trong việc xây dựng NSVH ở địa bàn dân cư. Những kết quả của phong trào đã mang lại ý nghĩa rất lớn về kinh tế, xã hội, góp phần làm ổn định tình hình an ninh trật tự và bộ mặt nông thôn. Đến hết năm 2009, huyện đã có 101/154 làng, thôn, xóm (đạt tỷ lệ 76,3%) được công nhận làng văn hoá; 80% số hộ trong huyện được công nhận gia đình văn hoá. Năm 2010, có 10 làng được Ban chỉ đạo công nhận làng văn hoá mới, có 95% số cơ quan công sở, 100% đơn vị lực lượng vũ trang, 75% trường học, 100% trạm y tế đạt tiêu chuẩn NSVH; 80% xã, thị trấn có nhà văn hoá, 55% số thôn, xóm có nhà văn hoá. Phong trào đã khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của nhân dân, phát huy tính tích cực, ý thức chủ động của cộng đồng. Sự lớn mạnh của phong trào TDĐKXDĐSVH đã thúc đẩy phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hoá, điểm vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên, các ngành, giới, đoàn thể... góp phần giảm nghèo, xây dựng đời sống kinh tế. Cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được xây dựng và phát triển với nhiều CLB TDTT được thành lập, nhiều môn thể thao như: thể dục dưỡng sinh, chạy, đi bộ... phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện.
Đạt được kết quả đó, chính là do có sự phối hợp tích cực, hiệu quả giữa ngành VHTT và Uỷ ban MTTQ huyện trong việc triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH./.
Bài và ảnh: Minh Thuận