Bánh đúc giấm

01:11, 05/11/2010

Bánh đúc là món ăn cổ truyền, vừa giòn vừa mát lại có thể kết hợp với nhiều loại phụ gia đi kèm. Điều đặc biệt là khi kết hợp với phụ gia nào, bánh đúc được gọi kèm với tên của loại thực phẩm đó. Ví như nấu cùng lạc thì được gọi là bánh đúc lạc, nấu cùng dừa nạo thì được gọi là bánh đúc dừa, rồi bánh đúc ngô, bánh đúc mỡ hành… riêng chỉ có bánh đúc giấm là được gọi tên theo cách chế biến.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bánh đúc giấm được làm bằng gạo tẻ ngon, ngâm nước vôi trong vài ba ngày cho tới khi hạt gạo bở tơi. Trong quá trình ngâm phải chú ý thay nước đều đặn cách nhau 8 giờ để đảm bảo cho nước trong, gạo không bị chua. Gạo ngâm đủ cữ được vớt ra rá cho ráo nước. Đặt rá gạo lên trên một chiếc nồi to rồi dùng tay chà sát cho gạo nhuyễn thành bột. Sát gạo tới đâu, tra thêm nước tới đó sao cho gạo nhừ tơi, lọt hết xuống nồi với lượng nước đủ dùng, không đặc quá, không loãng quá. Lúc này dưới nồi đáy là một loại bột gạo sóng sánh hơi ngả vàng, mịn hơn bất cứ thứ bột xay nào khác. Chính vì vậy bánh đúc giấm vừa giòn vừa mướt, có mùi thơm nồng của nước vôi và màu hanh vàng do phản ứng hoá học giữa nước vôi trong và gạo ngâm qua ngày. Bánh đúc giấm ăn kèm riêu cua là hợp nhất. Nước riêu cua vừa vàng ngậy vừa đậm đà thanh ngọt, chan vào bánh đúc giấm thái vát như nâng đẩy, tạo thêm hương, thêm vị cho nhau. Tuỳ theo khẩu vị của mỗi người mà có thể thêm muối ớt, giấm thanh, hay mắm tôm, cùng các loại rau sống như rau muống chẻ, hoa chuối, thân chuối thái mỏng...

Bánh đúc giấm riêu cua không mấy khi được bày bán trong quán xá, chợ quê mà thường được các bà, các mẹ chế biến để đổi món trong gia đình./.

Hương Tú



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com