Thiếu điện - tại trời hay tại người ?

09:10, 15/10/2010

 

Ảnh sưu tầm (nguồn internet)
Ảnh sưu tầm (nguồn internet)

Chưa bao giờ việc thiếu điện lại trầm trọng như hồi tháng 3, tháng 4 năm nay. Từ làng quê đến phố phường, chỗ nào cũng bị cúp điện. Có nơi, người dân bức xúc do mất điện đã "nhốt" cả nhân viên ngành điện. Dự báo mùa khô năm tới tình trạng thiếu điện có khả năng trầm trọng hơn năm nay bởi lẽ chưa đến mùa khô mà nhiều nơi đã bị cúp điện do không đủ điện để cung cấp. Nhiều hồ chứa của nhà máy thủy điện đã xuống mực nước "chết". Vấn đề thiếu điện đã trở thành đề tài nóng bỏng trong phiên họp mới đây của Chính phủ.

Lý giải tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường đổ lỗi do… trời. Đúng là đã nhiều năm nay, chưa năm nào hạn hán lại nghiêm trọng như năm nay. Hiện tại, các nhà máy thủy điện chiếm khoảng 30% công suất của toàn hệ thống điện. Nếu nước không đủ thì công suất thủy điện giảm xuống là điều tất yếu. Muốn có nước thì trời phải mưa. Trời nóng, điện tiêu thụ nhiều để làm mát cũng là điều dễ hiểu. Nguyên nhân thiếu điện tại trời là quá rõ ràng.

Thế nhưng, việc quy hoạch, sản xuất, truyền tải, phân phối, sử dụng điện lại là con người. Nếu quy hoạch có "tầm nhìn xa", sản xuất điện có sự cân đối giữa thủy điện và các nguồn điện khác, truyền tải không bị thất thoát, phân phối điện công bằng và tiêu thụ điện tiết kiệm thì chắc chắn ông trời có làm hạn hán, nóng hơn thì chúng ta cũng không thể thiếu điện tới mức trầm trọng như vậy.

Theo số liệu thống kê ở Việt Nam hiện nay, để tăng 1% tổng sản phẩm xã hội (GDP), điện năng sẽ phải tăng từ 2% trở lên. Trong khi đó, mức trung bình thế giới chỉ khoảng 1,0% đến 1,3%. Các nước càng phát triển thì mối quan hệ này càng nhỏ hơn 1%. Điều này có nghĩa là việc tiêu thụ điện năng trên một sản phẩm ở nước ta quá lớn do công nghệ lạc hậu. Đặc biệt là các nhà máy sản xuất thép (đang sử dụng tới 1.900MW) và các nhà máy sản xuất xi-măng (đang sử dụng  tới 1.500MW). Việc lãng phí điện trong sinh hoạt càng nghiêm trọng hơn. Có thể dễ dàng bắt gặp các trường hợp ở công sở, gia đình để đèn sáng suốt đêm trong nhà, ngoài hành lang. Thậm chí, đôi lúc còn bắt gặp cả đèn ở ngoài đường khoe sáng với… ánh nắng mặt trời. 

Chính vì những lý do trên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc thiếu điện ở Việt Nam lỗi tại người hơn là tại trời. Để khắc phục, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy sản xuất điện, rất cần các chế tài xử phạt với những hành vi lãng phí điện. Mặt khác, cần điều chỉnh chính sách giá điện phù hợp để khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm./.

Phú Thọ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com