Làm gì để khắc phục nguy cơ vỡ quỹ BHYT năm 2010 ?

09:10, 22/10/2010

 

Chi trả chế độ cho đối tượng hưởng BHXH tại xã Liên Bảo (Vụ Bản).  Ảnh: XUÂN THU
Chi trả chế độ cho đối tượng hưởng BHXH tại xã Liên Bảo (Vụ Bản).
Ảnh: XUÂN THU

Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến hết quý 2-2010, toàn tỉnh phát hành 657849 thẻ BHYT các diện đối tượng, số thu từ BHYT đạt trên 137 tỷ đồng, gồm trên 131 tỷ đồng thu BHYT bắt buộc của 556385 người và trên 6 tỷ đồng thu BHYT tự nguyện của 17337 người. Trong khi đó, số lượng chi phí theo báo cáo của Phòng Giám định BHYT, trong 6 tháng, toàn tỉnh có tổng số 821943 lượt bệnh nhân BHYT đi khám chữa bệnh trong tỉnh với tổng chi phí trên 89 tỷ đồng (điều trị nội trú cho 58627 bệnh nhân với chi phí gần 44 tỷ đồng, điều trị ngoại trú đối với 763316 lượt bệnh nhân đạt chi phí trên 45 tỷ đồng); cộng với chi phí khám chữa bệnh đa tuyến ngoại tỉnh 51 tỷ đồng (quý I đạt 30 tỷ đồng, quý II đạt 21 tỷ đồng), thì tổng chi của quỹ BHYT trong 6 tháng đầu năm là trên 140 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, nguy cơ vỡ quỹ BHYT vẫn cận kề. Điều đáng nói là trong năm 2010, quỹ BHYT đã được hỗ trợ rất nhiều từ khi Luật BHYT có hiệu lực để có thể bình ổn, thậm chí có thể tính đến việc dư quỹ. Thứ nhất là mức đóng của BHYT đối với đối tượng bắt buộc đã được Luật BHYT điều chỉnh tăng, mức lương tối thiểu cũng tăng; số lượng đối tượng cũng mở rộng hơn nên tăng tiến rất mạnh (trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng cận nghèo...). Thứ hai, Luật BHYT có quy chế cùng chi trả, đưa đăng ký KCB ban đầu về tuyến y tế cơ sở, bước đầu triển khai thanh toán theo định suất cũng góp phần tăng đầu vào quỹ BHYT. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải tìm nguyên nhân để quỹ BHYT tỉnh ta bội chi, từ đó có các giải pháp ngăn chặn, tạo sự bình ổn cho nguồn quỹ.

Nguyên nhân đầu tiên, theo lý giải của lãnh đạo BHXH tỉnh tại cuộc làm việc với BHXH Việt Nam diễn ra ngày 20-7 vừa qua là xuất phát từ chi phí tiền thuốc. Theo thống kê, chi phí tiền thuốc chiếm tới 64% tổng chi phí khám chữa bệnh BHXH. Nhưng trong quá trình xây dựng danh mục đấu thầu, cơ sở y tế vẫn chọn loại biệt dược đắt tiền, trong khi đó có nhiều loại thuốc có công dụng tương đương nhưng giá thành thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, BHXH tỉnh không phải là thành viên hội đồng đấu thầu thuốc nên vấn đề này ngoài tầm kiểm soát. Nguyên nhân thứ hai, cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý quỹ BHYT là chi phí đa tuyến ngoại tỉnh hiện nay đang quá cao. Việc này do tâm lý người bệnh luôn thích lên tuyến trên, không ít trường hợp có thể điều trị tại tỉnh nhưng vẫn muốn được lên tuyến trên chữa trị, bất chấp chi phí của bản thân tăng, điều kiện luôn trong tình trạng quá tải. Ở tuyến trên, thực tế cho thấy các bệnh viện đang có hiện tượng chữa trị, cấp thuốc rất mạnh tay. Chi phí chi trả tính theo quý, thông báo về cơ sở quản lý quỹ số chi phí nên cơ sở khó ngăn chặn kể cả khi lạm chi, thẩm định cũng đa phần chỉ là ứng phó với việc đã rồi. Với riêng tỉnh ta, tình trạng bội chi quỹ còn do tuyến y tế cơ sở không đáp ứng được điều kiện khám chữa bệnh nên người bệnh vẫn qua tuyến đầu nhưng thực tế chỉ là qua "trạm thông hành" để chữa trị ở tuyến tiếp theo, đương nhiên chi phí cũng tốn kém hơn. Vấn đề này xuất phát từ việc điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất, thuốc thang và đặc biệt là nhân lực của y tế tuyến đầu quá yếu. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện nay chỉ có dưới 50% các cơ sở y tế tuyến đầu đang có bác sỹ làm việc. Số còn lại dù đã có chương trình "đưa bác sỹ về tuyến xã" của ngành Y tế nhưng hiện nay vẫn thiếu.

Nguyên nhân chính yếu nhất vẫn là tình trạng "thu không đủ bù chi" của quỹ BHYT. Nguyên tắc ổn định của quỹ BHYT và cũng đồng thời là đặc điểm mang tính nhân văn của quỹ là "lấy số đông bù số ít", lấy sự đóng góp chung của cộng đồng để hỗ trợ số người không may ốm đau, bệnh tật. Tỉnh ta có dân số trên 1,8 triệu người, nhưng số liệu trên cho thấy chỉ hơn 600 nghìn người có thẻ BHYT. Số lượng tham gia đã thấp nhưng phân tích cụ thể cho biết, ngoài số đối tượng tham gia diện bắt buộc và đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thì phần lớn diện tự nguyện chỉ tham gia khi có bệnh. Thậm chí diện hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tới 50% mệnh giá thẻ BHYT cũng không tha thiết, chỉ tham gia nếu cần dùng đến thẻ. Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHYT để tiến tới BHYT toàn dân hiện nay đang gặp khó khăn, các đơn vị BHXH cấp huyện hầu hết đều không hoàn thành chỉ tiêu. Bên cạnh nguyên nhân trên, một số cơ sở y tế và một bộ phận cán bộ, y, bác sỹ đang coi quỹ BHYT là "miếng mồi" để tìm cách lạm chi cho mục đích cá nhân. Dù biết nhưng không thể ngăn chặn triệt để vì thực tế đội ngũ giám định BHYT hiện nay còn quá ít về số lượng, mỗi huyện có từ 1 đến 2 bệnh viện, hàng chục trạm y tế xã nhưng chỉ có tối đa 2 cán bộ giám định, chưa kể trình độ chuyên môn của đội ngũ này cũng còn hạn chế, khó có thể kiểm soát toàn diện...

Với những nguyên nhân kể trên, có thể khẳng định rất khó để có ngay biện pháp bình ổn, chấm dứt bội chi quỹ BHYT. Vấn đề này phụ thuộc vào nhận thức đầy đủ của người dân về ý nghĩa, vai trò, giá trị của quỹ BHYT. Nhưng trước mắt, cũng không thể "khoanh tay" chấp nhận tình trạng bội chi quỹ tiếp tục diễn biến, gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả khám, chữa bệnh của hơn 600 nghìn người dân trong tỉnh đang tham gia KCB BHYT. Vấn đề đầu tiên là ngành BHXH phải có kiến nghị, giải pháp thể hiện hiệu quả vai trò quản lý quỹ BHYT. Cụ thể BHXH phải đề xuất với cấp thẩm quyền để có thể giám sát việc chữa trị, cấp thuốc ở tuyến trên, có vai trò trong quy trình đấu thầu thuốc hàng năm diễn ra tại tỉnh. Đặc biệt, phải củng cố, nâng cao số lượng, chất lượng của đội ngũ giám định BHYT, đủ khả năng giám sát chặt chẽ việc khám, chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế tham gia ký hợp đồng, bảo đảm chăm lo, khám chữa bệnh tốt nhất cho người bệnh BHYT nhưng không để xảy ra lạm dụng, lạm chi. Một vấn đề cũng cần lưu ý là rút kinh nghiệm để có thể sử dụng phương thức thanh toán định suất trong khám chữa bệnh BHYT. Đây là phương thức thanh toán đang được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến, đã được BHXH Việt Nam thí điểm ở một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt, nhiều tỉnh nằm trong nhóm bội chi, có nguy cơ cao về vỡ quỹ BHYT như Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình, Hải Phòng... trong vài năm gần đây khi áp dụng phương thức thanh toán định suất đều đã ngăn chặn được bội chi, cân đối được quỹ BHYT. Tại tỉnh ta, từ ngày 1-7-2010 đã áp dụng thí điểm thanh toán định suất tại 4 huyện thì đến hết tháng 9, đã có 2 huyện là Xuân Trường, Vụ Bản cân đối được quỹ, 2 huyện còn lại cũng đã hạn chế đáng kể tình trạng bội chi so với các huyện, thành phố chưa áp dụng phương thức thanh toán này./.

Hoàng Văn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com