Sinh viên tình nguyện trường Đại học Điều dưỡng Nam Định diễu hành hưởng ứng Tháng an toàn giao thông 2010.
Ảnh:
Dương Đức
|
Trong xã hội hiện đại, có lẽ không có hoạt động nào mà sự tiếp xúc giữa con người với con người lại mang tính thường xuyên, liên tục trên phạm vi rộng và đa dạng như lĩnh vực giao thông. Bởi vậy, cùng với các văn bản pháp luật quy định trách nhiệm của người tham gia giao thông, của người thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, văn hoá giao thông (VHGT) đã được hình thành như một đòi hỏi tất yếu của xã hội. VHGT được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật của con người khi tham gia giao thông. Qua đó, thể hiện trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng; thái độ tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; cách ứng xử văn minh lịch sự và ý thức tôn trọng pháp luật…
Cùng với các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, từ Tháng An toàn giao thông 2009, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đã phát động xây dựng VHGT, tạo thói quen văn hoá khi tham gia giao thông đối với tất cả mọi người, hướng tới xây dựng môi trường VHGT để bảo đảm an toàn giao thông bền vững. Theo đó, đối với người tham gia giao thông thì hành vi văn hoá biểu hiện trước hết là tự giác chấp hành mọi quy định về trật tự ATGT, kể cả khi vắng mặt Cảnh sát giao thông. Thực hiện tốt các quy định về đi đúng phần đường, làn đường, về tốc độ, về quy tắc tránh vượt và dừng đỗ, về đội mũ bảo hiểm và nồng độ cồn; chấp hành tín hiệu giao thông, các quy định về giấy phép lái xe, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện. Đối với cư dân ven đường, VHGT thể hiện ở việc không lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thuỷ; không sử dụng vỉa hè, lòng đường buôn bán hàng hoá; phê phán, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như: Rải đinh trên đường, ném đất đá lên tàu hoả, xả rác hoặc nước thải ra đường. Còn đối với lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ phải có tinh thần trách nhiệm cao, xử lý vi phạm nghiêm minh, không sách nhiễu tiêu cực, tận tình giúp đỡ người gặp tai nạn, người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi tham gia giao thông.
Hưởng ứng phát động của Uỷ ban ATGT Quốc gia, cùng với cả nước, từ Tháng ATGT năm 2009 đến nay, vấn đề VHGT ở tỉnh Nam Định đã được Ban ATGT, các cấp, các ngành quan tâm, phối hợp đồng bộ, triển khai nhiều biện pháp có hiệu quả; trong đó công tác tuyên truyền được tập trung mạnh mẽ và sâu rộng vào các chủ đề: "Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em", "Rượu bia với ATGT"... Ngoài các phương tiện thông tin đại chúng, việc tuyên truyền, giáo dục ATGT cũng được đưa vào nhà trường, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, tổ dân phố, thôn xóm; hệ thống đài truyền thanh cơ sở, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu... Lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT cũng được tăng cường; trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông đã được huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, tổ chức tuần tra liên tục, khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: Chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm. Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ và thái độ ứng xử chuẩn mực văn minh, lịch sự cho lực lượng công an các xã phường, thị trấn. Những số liệu thống kê về tai nạn giao thông ở tỉnh ta giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương từ năm 2009 đến nay là sự khẳng định văn hoá giao thông đã từng bước đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên để xây dựng môi trường văn hoá giao thông, để VHGT thực sự bền vững trong cuộc sống, không phải là công việc một sớm một chiều mà là vấn đề lâu dài. Thực tế trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông nông thôn hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến như: Vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách, uống rượu bia khi tham gia giao thông, đi ngược chiều, xe chở khách quá trọng tải, quá tốc độ, tranh giành khách... vẫn xảy ra hàng ngày. Trước các cổng trường học ở TP Nam Định, tình trạng cha mẹ học sinh đi đón con em không đội mũ bảo hiểm hoặc không mang theo mũ bảo hiểm cho con, đứng tràn xuống lòng đường... vẫn diễn ra. Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh mới có 145 cán bộ, chiến sĩ; trong đó, Phòng CSGT ĐB-ĐS có 50 cán bộ, chiến sỹ; công an cấp huyện có 95 cán bộ, chiến sỹ nên việc quán xuyến địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là địa bàn nông thôn. Vẫn còn một số thanh thiếu niên coi thường pháp luật về TTATGT và coi thường lực lượng làm nhiệm vụ ở cơ sở thậm chí có hành vi thách thức pháp luật và lực lượng làm nhiệm vụ.
Để xây dựng môi trường văn hoá giao thông, góp phần lập lại trật tự ATGT, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện liên tục và toàn diện các giải pháp. Trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, nhất là Luật Giao thông đường bộ; Phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với lái xe và các quy định khác về trật tự ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động bằng panô, triển lãm ảnh. Tăng cường công tác giáo dục ATGT trong các trường học, tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo về ATGT; phổ biến, hướng dẫn các tiêu chí về ATGT tại tổ dân phố và xóm thôn. Hệ thống chính trị ở cơ sở cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, chỉ đạo các cấp, các ngành ở cơ sở vào cuộc. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT, nhất là các hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông như: lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chở quá số người quy định, không đi đúng phần đường, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… Quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần cùng lực lượng CSGT đẩy lùi tai nạn giao thông, không chỉ trong Tháng ATGT mà thường xuyên liên tục. Có như vậy mới tạo dựng nếp sống, môi trường văn hoá giao thông bền vững./.