Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ có mục tiêu chung là đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước. Đối với tỉnh ta, việc triển khai thực hiện đề án được xác định là một cơ hội quan trọng nhằm nâng cao trình độ lao động, tay nghề, góp phần nâng cao hiệu suất lao động, tạo bước phát triển đột biến của nền kinh tế. Đặc biệt, với việc được chọn là một trong 11 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm Đề án 1956 được xem như một cơ hội để tỉnh ta tiếp cận và triển khai thực hiện hiệu quả nội dung của toàn bộ đề án trong thời gian 10 năm tới.
Cty cổ phần Yến Linh, xã Yên Lương (Ý Yên) hướng dẫn thợ mới vào nghề quy trình thao tác trong dây chuyền sản xuất gỗ công nghiệp.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Theo số liệu điều tra, dân số tỉnh ta hiện nay là 1826 nghìn người, trong đó lực lượng lao động là 995 nghìn người, chiếm 54,5% tổng dân số. Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp - nông thôn, tỷ lệ lao động của tỉnh sống ở khu vực nông thôn chiếm 80% tổng số lực lượng lao động. Đến năm 2010, mặc dù ngành nông - lâm - thuỷ sản chỉ chiếm 29,5% tổng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế nhưng tỷ lệ lao động ở ngành này lại chiếm tới 63,25%. Bên cạnh đó, mặc dù từ năm 2006 đến hết năm 2009, tỉnh ta đã đào tạo nghề cho 82853 người nhưng đến nay, số lao động đã qua đào tạo nghề mới chỉ đạt 30% tổng lao động trên địa bàn. Cuộc tổng điều tra nhu cầu học nghề trên địa bàn toàn tỉnh (năm 2010) cho thấy có trên 108 nghìn lao động trong tỉnh có nhu cầu học nghề... Có thể khẳng định, nhu cầu học nghề và nhu cầu việc làm của tỉnh ta hiện nay rất lớn mà nếu chỉ bằng nội lực, điều kiện của tỉnh thì không thể đáp ứng được. Chưa kể đến việc trong nội dung của Đề án 1956 còn triển khai cả một nội dung cũng đang rất bức thiết tại tỉnh ta là đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Để triển khai thực hiện đề án ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tiến hành rà soát thực trạng lao động nông thôn, đẩy mạnh các hoạt động tiếp cận và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai thí điểm đề án. Ngày 24-6-2010, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cũng trong tháng 6-2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020" tại Quyết định số 1220/QĐ-UBND. Nội dung đề án xây dựng mục tiêu đào tạo nghề trong từng giai đoạn 5 năm (2011-2015 và 2016-2020) với các cơ chế, chỉ tiêu đi kèm. Riêng trong năm 2010 thực hiện thí điểm, đề án đặt mục tiêu trong năm đào tạo 5500 lao động từ kinh phí của đề án, nâng tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề trong năm lên 19,6 nghìn người, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 31% vào cuối năm 2010. Ngoài ra, trong năm thí điểm đề án cũng thực hiện đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho 4300 cán bộ, công chức cấp xã; thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cấp trang thiết bị, phương tiện và nhân lực cho các trường, trung tâm, đơn vị dạy nghề trong tỉnh. Đến thời điểm này, các đơn vị dạy nghề trong tỉnh đã tiếp nhận chỉ tiêu, bắt đầu triển khai các lớp dạy nghề. Các đơn vị dạy nghề được tiếp nhận kinh phí đầu tư cũng bắt đầu triển khai các hạng mục dự án. So với quỹ thời gian chỉ còn 3 tháng để hoàn thành đề án trong năm đầu tiên là rất khó khả thi vì một lớp đào tạo nghề đã mất từ 1 đến 3 tháng, việc đầu tư xây dựng, mua sắm chỉ riêng về thủ tục cũng mất bằng đấy thời gian... Trong khi đó, khâu quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của Đề án nghề cho lao động nông thôn là giải quyết việc làm, thẩm định tay nghề thông qua thực tế làm việc của người lao động không thể có ngay khi kết thúc khoá học. Chị Phạm Thị Hà (Yên Trung, Ý Yên) cho biết: "Người dân nông thôn rất phấn khởi khi được học nghề miễn phí, được vay vốn miễn phí để học nghề và vay vốn ưu đãi để tìm việc. Nhưng bây giờ mới học thì không thể nói sẽ có việc làm ngay trong năm vì học xong là cuối năm. Riêng thủ tục, thời gian để vay được vốn đã mất hàng tháng". Tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc), cả 35 học viên lớp nuôi trồng thuỷ sản và 200 học viên lớp may vừa được khai giảng theo mô hình điểm về dạy nghề nông thôn năm 2010 đều cho biết sẽ rất khó để "hành nghề" ngay trong năm vì sau khi học nghề còn đợi địa phương triển khai mô hình, rồi đợi vốn, đầu ra...
Có không ít nguyên nhân dẫn đến tình trạng không bảo đảm tiến độ hiện nay. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân do Quyết định số 1956 được ban hành từ tháng 11-2009 nhưng các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan lại có muộn, sang đến quý I năm 2010. Đặc biệt là kinh phí thực hiện rất lớn nhưng chậm cấp trong các bước triển khai. Đơn cử như kinh phí tổng điều tra nhu cầu học nghề lao động nông thôn phải điều tra xong mới được cấp. Ở các địa phương có điều kiện thì không sao, nhưng ở địa bàn khó khăn, thiếu kinh phí, cán bộ không tha thiết với công việc nên chậm tiến độ. Bên cạnh đó, một số cấp, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ hiệu quả của đề án, dẫn đến tình trạng làm cho xong, cho đủ. Theo kết quả kiểm tra sơ bộ, ở không ít các lớp nghề mới được khai giảng gần đây, việc xây dựng các tiêu chí mở lớp như học nghề gì, học xong làm ở đâu, tạo mở việc làm như thế nào vẫn chưa được tính toán.
Là năm thí điểm, vì vậy, những tồn tại đã nêu trên cần phải được giải quyết dứt điểm. UBND tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cải thiện cơ chế, tạo điều kiện tốt nhất về chính sách, nguồn kinh phí đầu tư để đề án triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả đề ra. Cùng với triển khai dạy nghề, cần đi đôi với giải quyết việc làm theo điều kiện thực tế vùng, địa phương để dạy nghề mang lại kết quả cao nhất./.
Văn Đông