Giáo sư Vũ Khiêu Công dân tiêu biểu của thủ đô

08:10, 08/10/2010

 

95 tuổi, hằng ngày, Giáo sư Vũ Khiêu vẫn miệt mài làm việc.  Ảnh: Văn Hiến
95 tuổi, hằng ngày, Giáo sư Vũ Khiêu vẫn miệt mài làm việc.
Ảnh: Văn Hiến

Tại Đại hội Thi đua yêu nước của thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 28-8-2010, Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã được vinh danh là "Công dân tiêu biểu của thủ đô" đúng dịp giáo sư bước vào tuổi 95 (19-9-1916 - 19-9-2010).

Giáo sư Vũ Khiêu là một nhà văn hoá lớn, là nhà hoạt động xuất sắc trên nhiều lĩnh vực: Triết học, mỹ học, sử học, văn hoá, văn học nghệ thuật… và có nhiều đóng góp to lớn cho khoa học xã hội và nhân văn nước ta trong hơn 60 năm qua. Những năm gần đây, tuy đã bước vào tuổi thượng thọ, nhưng ông vẫn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng biên soạn bộ tổng tập "Ngàn năm văn hiến Thăng Long" (gồm 4 tập, nặng 27kg). Ngoài ra, ông còn tham gia biên soạn bộ "Bách khoa thư Hà Nội", trực tiếp viết cuốn "Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội", làm Chủ tịch hội đồng tư vấn khoa học bộ sử "Ngàn năm Thăng Long" gồm hơn 100 cuốn sách và trực tiếp tham luận tại nhiều hội thảo khoa học về nhiều lĩnh vực của Thăng Long - Hà Nội.

Đặc biệt trong những năm gần đây, GS Vũ Khiêu đã trực tiếp soạn rất nhiều văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối… tại gần ba chục đền liệt sỹ ở Hà Nội và trên cả nước, để ca ngợi, tri ân những vị anh hùng dân tộc và những liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập - tự do của dân tộc, trong đó có bài "Văn bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ" đặt tại Hoa Lư - Ninh Bình. Nguyên là vào năm 2000, Ban tổ chức kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội đã cùng với lãnh đạo và nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức xây dựng một nhà bia nói về sự kiện dời đô của Đức vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư về Thăng Long - Hà Nội hôm nay. Ban Tổ chức lễ hội cùng với lãnh đạo và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đề nghị GS Vũ Khiêu soạn thảo bài văn bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ. Mục đích và yêu cầu của việc biên soạn văn bia này là vừa đề cao sự sáng suốt của Lý Thái Tổ đã chọn địa điểm Thăng Long - Hà Nội hôm nay làm thủ đô, vừa đánh giá đúng mức công lao vĩ đại của các triều đại Đinh - Lê đối với việc thống nhất Tổ quốc, bảo vệ độc lập và bước đầu xây dựng trên đất Hoa Lư một tiềm năng kinh tế, chính trị - xã hội vững chắc làm cơ sở cho sự vững mạnh trường tồn của nước Đại Cồ Việt.

Với lời văn ngắn gọn và cô đọng, tác giả đã đánh giá cao Lý Công Uẩn: Đạo trị bình, đủ phép kinh luân/ Tài thao lược, hơn đời trí dũng. Về ý nghĩa của cuộc dời đô, tác giả đã đặt Lý Công Uẩn trong một hoàn cảnh lịch sử vô cùng vẻ vang: Trước mắt là tương lai rực sáng muôn đời của dân tộc và sau lưng là sự nghiệp lớn lao của các triều đại Đinh - Lê và Lý: Nhìn ra trước: Tiền đồ vạn thế thênh thang/ Ngoảnh lại đằng sau: Sự nghiệp ba triều lồng lộng. Nói về cảnh hùng vĩ của sông núi Hoa Lư và khí phách của các anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, tác giả đã phân tích vì sao các triều đại ở Hoa Lư đã không sớm dời đô ra phía Bắc. Không phải vì "thiển cận không nhìn xa thấy rộng" mà chỉ vì cần có thời gian để nhanh chóng xây dựng cơ đồ hùng mạnh cho dân tộc. Chỉ vì biết thời cơ chưa tới nên vua Đinh, vua Lê đã giống như những con rồng thu mình lại ở nơi rừng sâu núi hiểm. Chính nhờ công sức của các thời đại Đinh - Lê mà đất nước sau 42 năm đã có đầy đủ sức mạnh nên Lý Công Uẩn sau bốn tháng lên ngôi đã có điều kiện vững vàng để dời đô ra Thăng Long, mở cho đất nước một thời kỳ mới.

Trong phần II của văn bia, tác giả đã nêu lên truyền thống anh hùng của mảnh đất Hoa Lư, tinh thần mưu trí sáng tạo của con người Hoa Lư sau khi nơi đây trở thành cố đô của đất nước ta: Đất Quỳnh Lưu vang dội bóng anh hùng/Trời Dục Thuý treo cao cờ giải phóng/ Ba ngàn trận đánh: khí thiêng Tam Điệp ngút trời mây/ Hàng vạn quân thù: Lửa giận Thần Phù bừng gió sóng. Kết thúc bài văn bia, tác giả đã dùng những câu hùng tráng để nói lên khí phách của con cháu hôm nay trước sự việc của cha ông thuở trước:

Thắng không kiêu, bại không nản, đường gian truân san phẳng đi lên
Trung với nước, hiếu với dân, lời răn dạy sáng ngời lẽ sống
Sơn hà Đại Việt, một dải hùng cường
Văn hiến Thăng Long, ngàn thu truyền tụng!

Trong buổi lễ đón nhận danh hiệu cao quý "Công dân tiểu biểu của thủ đô", GS Vũ Khiêu cho biết: Ngoài những công trình nghiên cứu mới hoàn thành về văn hoá Thăng Long - Hà Nội vừa được công bố, hơn mười năm gần đây ông đã hằng ngày cần mẫn ghi chép những trang bút ký về thủ đô yêu quý, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành với hơn 2400 trang đánh máy. Bộ sách này là một đề tài không đăng ký với bất cứ một cơ quan hay nhà xuất bản nào mà là một đề tài "tự trái tim" và sẽ được phát hành trước ngày khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời ông cũng đang khẩn trương hoàn thành 2 cuốn sách nữa về Hà Nội. GS xúc động nói: "Với danh hiệu cao quý là "Công dân tiêu biểu của thủ đô", tôi càng không thể nghỉ ngơi… Tôi sẽ lại xin đem tâm huyết để tiếp tục phục vụ Tổ quốc và thủ đô, tiếp tục có những công trình mới để báo đáp sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; không phụ lòng tin cậy và sự giúp đỡ của lãnh đạo và nhân dân thành phố Hà Nội"./.

Lương Ngọc Hà



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com