Chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng

09:10, 29/10/2010

Cán bộ Bệnh viện Tâm thần tỉnh hướng dẫn thực hiện phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Thu Hà
Cán bộ Bệnh viện Tâm thần tỉnh hướng dẫn thực hiện phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Ảnh: Thu Hà
Theo số liệu điều tra của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, tỷ lệ người mắc 10 bệnh tâm thần cơ bản trong tỉnh chiếm trên 14% dân số. Nhận thức rõ hiệu quả to lớn của công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần (SKTT) tại cộng đồng, từ năm 1999, chương trình bảo vệ SKTT cộng đồng đã được triển khai trên địa bàn. Đến nay, 100% các huyện và xã, phường có cán bộ chuyên trách theo dõi về SKTT. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên được phát triển tới từng thôn xóm. Hàng năm, đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên được tập huấn, nâng cao kỹ năng về quản lý, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Năm 2009, toàn ngành đã tổ chức được 11 lớp tập huấn cho trên 1000 y, bác sĩ chuyên khoa của các huyện, thành và cán bộ y tế xã, nhân viên y tế thôn đội, thông qua đó giúp cán bộ y tế, các cộng tác viên từng bước nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức mới trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 2 chương trình CSSKTT cộng đồng, là chương trình quốc gia chủ yếu quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt và chương trình của tỉnh quản lý bệnh nhân động kinh và bệnh nhân loạn thần nặng khác. Toàn tỉnh hiện có trên 11 nghìn bệnh nhân tâm thần đang được quản lý chăm sóc tại cộng đồng, trong đó có 3751 bệnh nhân tâm thần phân liệt được quản lý theo chương trình quốc gia, 7664 bệnh nhân động kinh và loạn thần được quản lý theo chương trình của tỉnh, trên 7000 bệnh nhân được cấp phát thuốc điều trị miễn phí hàng tháng. Cũng trong khuôn khổ chương trình quốc gia, 26 bệnh nhân động kinh và 257 bệnh nhân trầm cảm được phát hiện tại xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ) đang tiếp tục được quản lý, điều trị dựa vào cộng đồng, đến nay, 100% bệnh nhân có chuyển biến tốt.

Để duy trì việc quản lý, cấp phát thuốc đều đặn đến tay bệnh nhân, hàng tháng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Trung tâm YTDP các huyện, thành phố phân công cán bộ xuống từng địa bàn để kiểm tra, giám sát việc cấp phát thuốc, khám lại cho từng bệnh nhân nhằm đánh giá kết quả điều trị. Do thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần là các loại biệt dược nên công tác quản lý, cấp phát thuốc được tiến hành rất chặt chẽ. Hàng tháng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh nhận báo cáo tình hình bệnh nhân, thanh quyết toán thuốc đã sử dụng vào đầu tháng, sau đó cấp thuốc về các xã. Trạm y tế xã có trách nhiệm cấp phát thuốc cho gia đình bệnh nhân và hướng dẫn gia đình cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn hàng ngày. Do vậy thuốc cho bệnh nhân luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của liệu trình điều trị, nhiều năm trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tai biến do sử dụng thuốc tâm thần. Bên cạnh đó, chất lượng hồ sơ, bệnh án bệnh nhân điều trị tại cộng đồng luôn được quản lý tốt, không để xảy ra nhầm lẫn. Tại những địa phương đã triển khai dự án, chất lượng điều trị bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể; số bệnh nhân ổn định, có thể tự phục vụ được bản thân, tái hoà nhập cộng đồng chiếm tỷ lệ cao. Nhiều bệnh nhân trước đây là những người mất trí, là gánh nặng cho gia đình và xã hội, nay  đã là những công dân bình thường, trở thành người có ích. Song song với việc duy trì điều trị đối với các bệnh nhân cũ, Bệnh viện Tâm thần tỉnh thường xuyên phối hợp với cơ sở tiến hành rà soát, phát hiện bệnh nhân mới, vận động gia đình đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị đúng phác đồ. Theo bác sĩ Hoàng Văn Nghĩa, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên thời gian gần đây, nhận thức của gia đình bệnh nhân và cộng đồng về các bệnh tâm thần đã được nâng lên rõ rệt. Tình trạng giấu bệnh, áp dụng các biện pháp điều trị thiếu khoa học, ngược đãi, khinh miệt bệnh nhân đã giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên hiện nay, trong quá trình triển khai công tác chăm sóc SKTT dựa vào cộng đồng đang gặp một số khó khăn. Trong thực tế vẫn còn tâm lý kỳ thị với bệnh nhân tâm thần khiến cho nhiều gia đình có người mắc bệnh giấu giếm hoặc chữa bệnh bằng các biện pháp thiếu khoa học. Những bệnh nhân tâm thần đôi khi có rối loạn ý thức, thường không thừa nhận mình bị bệnh, có khi còn có hành vi chống đối bác sỹ, vì vậy sự phối hợp điều trị còn bất cập. Bên cạnh đó, do số lượng bệnh nhân tâm thần quá đông, nguồn kinh phí hạn chế nên đến nay, ở cả 2 chương trình mới có khoảng 50% bệnh nhân tâm thần tiếp cận được với các dịch vụ y tế, trong đó mới đáp ứng nhu cầu của những trường hợp động kinh và tâm thần phân liệt, còn nhiều bệnh nhân mắc các chứng loạn thần khác chưa được quản lý, điều trị trong đó có bệnh nhân mắc chứng trầm cảm - một chứng bệnh đang rất phổ biến hiện nay nhưng vẫn chưa được quan tâm.

Để công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng đạt hiệu quả, cần phối hợp nhiều liệu pháp điều trị, phối hợp giữa bác sỹ với gia đình và đặc biệt là sự hợp tác của người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Nếu tại gia đình, người thân chỉ biết sử dụng thuốc cho bệnh nhân uống đều đặn hàng ngày mà không quan tâm đến việc phục hồi các chức năng tâm lý thì vẫn chưa đủ bởi vì mục tiêu là vừa điều trị vừa giúp cho người bệnh hòa nhập cộng đồng./.

Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com