Trong đội ngũ công nhân lao động ở các doanh nghiệp trong tỉnh, lực lượng lao động nữ đang phát triển nhanh chóng cả về số lượng và loại hình nghề nghiệp. Để nhóm đối tượng lao động này có điều kiện tốt nhất trong sản xuất, tổ chức công đoàn luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác chăm lo đời sống cho nữ công nhân lao động.
Trong những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo ngành nghề và tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... liên quan đến quyền lợi người lao động, trong đó có những chuyên đề về lao động nữ. Nhờ đó, lao động nữ được tạo điều kiện nâng cao hiểu biết mọi mặt để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Với chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, 5 năm qua, các cấp công đoàn đã phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại 100 doanh nghiệp, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho 8510 lao động nữ, yêu cầu doanh nghiệp nộp BHXH, bố trí sắp xếp công việc phù hợp cho chị em khi mang thai và nuôi con nhỏ, đề nghị nâng lương sớm từ 6 tháng đến 1 năm cho 3849 chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giải quyết nghỉ chế độ đúng quy định cho 2611 chị... Các cấp công đoàn đã phát động nhiều phong trào thi đua trong nữ công nhân lao động như: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"... Từ các phong trào thi đua, nữ công nhân trong các cơ quan, doanh nghiệp đã phát huy tinh thần cần cù, chịu khó, có ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện tác phong công nghiệp, phấn đấu làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Các chị luôn bám sát mục tiêu thi đua, phấn đấu làm thêm giờ, tăng ca, bảo đảm tiến độ sản xuất cho doanh nghiệp, tăng doanh thu cho bản thân. Điển hình như nữ công nhân tại các doanh nghiệp: Cty cổ phần may Nam Hà, Cty cổ phần dệt may Sơn Nam, Cty TNHH Youngone Nam Định, Nông trường Rạng Đông, Cty cổ phần vật liệu và xây lắp... đạt mức lương từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Trong 5 năm, các nữ công nhân đã tham gia làm chủ hàng nghìn đề tài sáng kiến, có 2971 sáng kiến được đưa vào áp dụng hiệu quả trong thực tế sản xuất, góp phần làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho đơn vị, địa phương. Có 13 chị được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo. Đối với những nữ công nhân lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các cấp công đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực. Ban Nữ công, công đoàn các cấp đã phối hợp với chuyên môn đi thăm và tặng quà, động viên 3057 nữ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 420 triệu đồng. Các cấp công đoàn còn cho nữ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn từ Quỹ "Vì nữ CNLĐ nghèo" để phát triển kinh tế gia đình. Tính đến đầu tháng 10-2010, tổng vốn của Quỹ "Vì nữ CNLĐ nghèo" do LĐLĐ tỉnh quản lý là 1 tỷ 157 triệu 480 nghìn đồng, cho hơn 300 nữ CNLĐ vay phát triển kinh tế gia đình. Ngoài vốn vay từ Quỹ "Vì nữ CNLĐ nghèo", các cấp công đoàn còn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho 700 nữ CNLĐ/1000 trường hợp được vay vốn, giải quyết việc làm. Bên cạnh việc vay vốn, hàng năm, LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo Trường trung cấp nghề số 8 liên kết với các đơn vị đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho trên 1000 người, trong đó có 60% lao động nữ, đồng thời đào tạo lại nghề cho 300 nữ CNLĐ. Tại các CĐCS, tổ chức công đoàn cũng luôn theo sát tình hình đời sống của các CNLĐ nữ, kịp thời trợ cấp, thăm hỏi lúc bản thân, gia đình nữ CNLĐ gặp ốm đau, hoạn nạn. Riêng năm 2009, Ban nữ công công đoàn các cấp đã đi thăm, tặng quà cho 258 gia đình nữ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 35 triệu 360 nghìn đồng; tặng quà cho 236 cháu bị tàn tật, nhiễm chất độc da cam là con em nữ CNLĐ với tổng số tiền 45 triệu 300 nghìn đồng...
Thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS để có điều kiện hợp pháp chăm lo tốt nhất cho nữ CNLĐ. Tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, nâng cao trình độ, tay nghề chuyên môn cho nữ CNLĐ./.
Nguyễn Thanh Thuý
[links()]