Đưa môn võ Vovinam vào các trường học

07:09, 23/09/2010

Từ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc "Đưa võ cổ truyền vào nhà trường, phát động những cuộc thi võ cổ truyền trên cả nước…", cuối tháng 7-2010, Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) đã có công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT phối hợp với Liên đoàn Vovinam các địa phương tuyên truyền phổ biến, đưa môn võ này vào hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh, sinh viên. Ngay từ năm học 2010-2011, ngành GD-ĐT tỉnh đã có những động thái tích cực để đưa bộ môn này vào trường học trong tỉnh.

Tập luyện ở CLB võ Vovinam xã Trung Thành (Vụ Bản). Bài và ảnh: Thanh Ngọc
Tập luyện ở CLB võ Vovinam xã Trung Thành (Vụ Bản).

Ra đời từ những năm 1930, đến nay, môn võ Vovinam đã phát triển trở thành môn võ truyền thống của Việt Nam, được nhiều thanh thiếu niên luyện tập và đạt được nhiều thành tích tại các đấu trường khu vực và châu lục. Ở tỉnh ta, việc đưa võ Vovinam vào trường học có khá nhiều thuận lợi. Mới phát triển từ năm 2002, đến nay, đã có 6 CLB Vovinam ở các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Vụ Bản và thành phố Nam Định với gần 1000 thanh thiếu niên thường xuyên tập luyện nâng cao sức khỏe. Hơn 10 HLV của bộ môn này đang dạy tại các CLB đều có chứng chỉ, trình độ chuyên môn cho việc tập luyện bài bản. Tạo điều kiện cho bộ môn này phát triển lâu dài, năm 2009, Sở VH-TT-DL còn cử một số HLV lên tập huấn dài hạn tại Trường Đại học TDTT I (Từ Sơn - Bắc Ninh) để nâng cao trình độ. Một trong những dấu ấn đánh giá sự coi trọng phát triển của bộ môn Vovinam ở tỉnh ta là trong chương trình nghệ thuật "Thăng Long - Thiên Trường, Đức Thánh Trần và Hào khí Đông A" nhân lễ hội Trần do UBND tỉnh tổ chức tháng 9-2010 có màn trình diễn của các võ sinh Vovinam trong việc tái hiện khí thế môn võ cổ truyền của dân tộc.

Ngay sau khi nhận được công văn của Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT đã họp bàn với bộ môn Vovinam để đưa môn võ này vào các cấp trường học trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, các trường THPT được lựa chọn để đưa vào đầu tiên với việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể chất sau thời điểm khai giảng năm học mới. Trong thời gian tập huấn, các giáo viên thể chất sẽ được hướng dẫn các bài thập tự quyền, long hổ quyền và các bài khóa, gỡ, đòn chân… Do Vovinam mang tính chất là môn võ thể thao, các động tác không quá phức tạp nên sẽ không khó để đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất tiếp thu tập luyện bài bản, từ đó về tham mưu cho các trường học tổ chức đưa bộ môn này vào tập luyện cho học sinh. Bên cạnh các trường THPT, một số trường ĐH, CĐ, THCN trên địa bàn tỉnh như Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Lương Thế Vinh… cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục thành lập và ra mắt các CLB Vovinam của trường. Một giáo viên giáo dục thể chất tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định cho biết: "Qua tìm hiểu, sinh viên, học sinh trong trường rất thích môn võ này. Ngay từ khi CLB Vovinam trong trường chưa thành lập, trong trường đã có vài chục em rủ nhau tham gia học ở CLB Vovinam của thành phố để rèn luyện thân thể". Việc đưa Vovinam vào trường học cũng tạo được sự đồng tình của đông đảo phụ huynh. Chị Trần Thị Trang ở đường Hùng Vương (TP Nam Định) có con đang theo học tại Trường THPT Trần Hưng Đạo bày tỏ: Chúng tôi ủng hộ chủ trương này vì việc học võ sẽ giúp các em được giáo dục tinh thần can đảm, cao thượng và tính nhân bản góp phần hoàn thiện nhân cách cho các em.

Việc đưa võ Vovinam vào các trường học trong tỉnh sớm sẽ là nền móng để ngành GD-ĐT tỉnh ta tiếp tục giành thành tích cao tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khi môn võ này trở thành nội dung chính thức kể từ Hội khỏe Phù Đổng lần thứ VIII năm 2012. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số giáo viên thể chất thì việc triển khai còn gặp một số vấn đề khúc mắc. Vovinam là môn võ mang tính thực dụng rất cao. Bên cạnh những động tác cơ bản mà đa phần các học sinh, sinh viên đều có thể luyện tập được thì việc thực hiện những động tác khó, đòi hỏi kỹ thuật cao như chém quét, bay người dùng chân kẹp cổ đối thủ… phải trang bị đầy đủ trang thiết bị luyện tập. Đơn cử với một chiếc thảm thi đấu có giá trị vài chục triệu đồng thì không phải trường học nào cũng có thể trang bị. Ngoài ra, các giáo viên thể dục cũng đề nghị thời gian đầu chưa bắt buộc các em mặc đồng phục môn võ trong giờ học vì không thuận tiện trong việc mang đến trường và nhà trường cũng chưa có phòng thay đồ, vừa tiết kiệm chi phí. Ngành GD-ĐT cần quan tâm đến một số vấn đề trên để việc đưa võ Vovinam vào các trường học sẽ hiệu quả./

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com