Xã Yên Khánh (Ý Yên) là vùng đồng chiêm trũng, kinh tế xã hội còn khó khăn. Với quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng uỷ, UBND xã Yên Khánh đã tập trung lãnh đạo, khai thác tiềm năng đất đai, lao động để tạo ra những bước chuyển mới trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Mô hình kinh tế trang trại VACR của ông Hoàng Trọng Tám, thôn Thượng mỗi năm cho thu nhập 150 triệu đồng. |
Với phương châm: "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt"; trong đó để phát triển kinh tế, phải khai thác tiềm năng đất đai, lao động địa phương, từ năm 2005, Đảng uỷ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của xã. Triển khai nghị quyết của Đảng uỷ, UBND xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi 30% diện tích đất nông nghiệp trở thành các trang trại kinh tế nông nghiệp tổng hợp mang tính hàng hoá phù hợp với đặc điểm của địa phương. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chỉ đạo các hộ sản xuất đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá nông sản, khuyến khích "dồn điền đổi thửa" để tạo ra những mô hình sản xuất có hiệu quả. Hiện nay, toàn xã có 80 mô hình kinh tế VACR, trong đó có 60% mô hình có mức thu nhập từ 45-100 triệu đồng/năm. Điển hình là mô hình kinh tế trang trại của các ông Nguyễn Văn Chấp, thôn Tu Cổ, ông Hoàng Trọng Tám, thôn Thượng… Với diện tích đất canh tác mỗi hộ từ 2 đến 3 mẫu, các hộ đã kết hợp mô hình nuôi cá, trồng lúa và chăn nuôi, trừ chi phí mỗi mô hình đã cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm. Nhờ tích cực đưa các giống lúa mới có năng suất phù hợp với đặc điểm đồng đất vào gieo cấy như Việt Hương, N46, NĐ1, Bắc Thơm 7 nên đã cho năng suất đạt 57-58 tạ/ha. Năm 2009, tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 18,9 tỷ đồng. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng được đầu tư phát triển với đàn trâu, bò hơn 300 con, 2045 con lợn, đàn gia cầm - thuỷ cầm 34000 con. Giá trị thu nhập từ chăn nuôi bình quân đạt 7,3 tỷ đồng/năm.
Để giải quyết số lao động nông nhàn và từng bước tăng trưởng tỷ trọng ngành nghề dịch vụ, Đảng uỷ xã chỉ đạo các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thường xuyên tổ chức dạy nghề cho hội viên. Ngoài những ngành nghề truyền thống như nghề mộc, nề, gò hàn… tiếp tục được duy trì và phát triển, một số nghề mới được đưa vào sản xuất như dệt len, móc sợi, đan bẹ chuối… đã đem lại thu nhập cho nhân dân. Đến nay, toàn xã đã có 135 cơ sở sản xuất các ngành nghề tập trung, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Tỷ trọng từ công nghiệp - dịch vụ của xã đã chiếm 35% trong cơ cấu kinh tế của xã.
Kinh tế phát triển, các công trình phúc lợi như "điện, đường, trường, trạm" phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được đầu tư xây dựng. Trong 5 năm qua đã có 10 dự án được triển khai trên địa bàn, trong đó có 6 dự án do nhà nước và các ngành đầu tư 100% vốn và 4 dự án do xã đầu tư hoặc vốn đối ứng như: dự án nước sạch, dự án xây dựng trường tiểu học, dự án nâng cấp đường giao thông nội xã, dự án xây dựng nhà làm việc UBND xã với tổng đầu tư xây dựng cơ bản là 4,34 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã đầu tư 2,34 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2 tỷ đồng. Tổng đầu tư xây dựng các dự án ước đạt 16,6 tỷ đồng. Sự nghiệp giáo dục duy trì và phát triển chất lượng phổ cập, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài. Năm 2010, xã được đầu tư xây dựng thêm 6 phòng học cao tầng cho trường tiểu học trị giá 1,6 tỷ đồng; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT đạt 80%. Xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư đã được nâng cao chất lượng mà trọng tâm là phong trào xây dựng làng văn hoá. Toàn xã hiện có 8 trong số 14 làng đạt danh hiệu "Làng văn hoá"; 2 trường học, cơ quan UBND xã, trạm y tế đạt danh hiệu "Đơn vị có nếp sống văn hoá"; 85% số hộ được công nhận "Gia đình văn hoá".
Những thành tựu đã đạt được của xã Yên Khánh trong những năm qua là do Đảng uỷ, chính quyền xã đã đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc khai thác tiềm năng đất đai, lao động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 5 năm liền Đảng bộ xã được công nhận "Đảng bộ trong sạch vững mạnh"; hàng năm có từ 80-85% số chi bộ đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh xuất sắc./.
Bài và ảnh: Văn Trọng