Vấn đề thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp

01:09, 13/09/2010

Theo thống kê, trong tổng số trên 90 nghìn lao động của khoảng 1700 doanh nghiệp toàn tỉnh, hiện mới có 63500 lao động được ký hợp đồng lao động. Số còn lại do doanh nghiệp cố tình không ký hợp đồng lao động hoặc chỉ ký hợp đồng 1 tháng đến dưới 3 tháng để tránh ký hợp đồng lao động dài hạn. Không có hợp đồng, đồng nghĩa với người lao động không có quyền lợi về chế độ BHXH, BHYT, có thể bị chủ doanh nghiệp sa thải bất cứ lúc nào. Việc xây dựng thang lương, bảng lương là cơ sở để cơ quan chức năng giám sát việc trả công đúng quy định đối với doanh nghiệp hiện đang bế tắc; toàn tỉnh mới chỉ có 188 doanh nghiệp thực hiện công tác này. Đến thời điểm này, mới có 901 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi người lao động, trong đó có 191 công đoàn có hội đồng hoà giải cơ sở; nhiều tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp hoạt động còn mang tính hình thức. Trong số hơn 74000 lao động có hợp đồng lao động nhưng chỉ có 60263 người được tham gia BHXH, BHYT và BHTN... Không chỉ ở các doanh nghiệp địa phương, ở các KCN cũng có không ít doanh nghiệp vi phạm các quy định nêu trên. Nếu tính cả số lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh lên tới hàng chục nghìn người thì tỉnh ta đang có hàng vạn lao động đang làm việc trong môi trường không có pháp luật lao động, phụ thuộc hoàn toàn vào chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Công nhân trạm điện 35KV Cộng Hoà (Vụ Bản) kiểm tra thiết bị an toàn phòng chống cháy nổ. Ảnh: Xuân Thu
Công nhân trạm điện 35KV Cộng Hoà (Vụ Bản) kiểm tra thiết bị an toàn phòng chống cháy nổ.
Ảnh: Xuân Thu

Khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật lao động để người lao động tự bảo vệ bản thân, tỉnh ta đã đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật lao động. Từ năm 2006 đến nay đã có gần 3,4 vạn lượt lao động được tiếp cận những kiến thức về pháp luật lao động. Tuy nhiên nhận thức về pháp luật lao động của người lao động chưa có sự chuyển biến. Nguyên nhân là trong điều kiện khó khăn về việc làm, thu nhập, người lao động dù biết cũng không dám đứng lên bảo vệ quyền lợi của bản thân, vẫn phó mặc quyền quyết định cho chủ doanh nghiệp. Về phía chủ doanh nghiệp, việc tuân thủ đầy đủ pháp luật đồng nghĩa với việc trước mắt phải tốn phí thời gian, chi phí kinh tế, đa phần lại chưa nhận thức đầy đủ được lợi ích lâu dài, chỉ đến khi xảy ra sự cố mới sửa chữa. Chính vì vậy, hiện nay giải pháp hữu hiệu nhất là phải xử lý mạnh tay, đủ sức răn đe với những trường hợp vi phạm. Kiến nghị của cơ quan chuyên môn, quản lý về lao động việc làm cho thấy hiện nay thẩm quyền còn hạn chế, chủ yếu là xem xét, kiểm tra, đưa ra kiến nghị, phải đến mức nghiêm trọng mới giao cho Thanh tra lao động xử lý. Nhưng kể cả đến bộ phận này thì chế tài cũng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần đề nghị lên cấp trên xem xét để có sửa đổi quy chế, chế tài xử lý vi phạm ở mức phù hợp hơn. Bên cạnh đó, các cấp ngành, địa phương cũng cần thay đổi quan niệm, không coi đây là việc riêng của ngành Lao động để phối hợp, tham gia giải quyết tồn tại này./.

Hoàng Văn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com