Sau nhiều năm kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp của chương trình Dân số - KHHGĐ, tỉnh ta đã tạo được sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở và các tầng lớp nhân dân trong nhận thức, chuyển đổi hành vi dân số để phấn đấu ổn định quy mô dân số, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy đã duy trì xu thế giảm sinh hàng năm từ 0,2 phần nghìn đến 0,25 phần nghìn và giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên mỗi năm từ 1% đến 2% để đạt quy mô dân số ổn định vào năm 2030 ở tỉnh ta là 2,25 triệu người. Trong 6 tháng đầu năm 2010, số trẻ sinh ra trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm 203 cháu so với cùng kỳ năm 2009, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên cũng đã giảm được 0,3%. Tuy nhiên những chuyển biến tích cực này không đồng đều ở các địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2010, vẫn còn 4 huyện có số trẻ sinh ra tăng là Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và Nghĩa Hưng; 5 huyện có số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên tăng là Mỹ Lộc, Giao Thuỷ, Vụ Bản, Xuân Trường, Hải Hậu.
Trạm y tế thị trấn Nam Giang (Nam Trực) hướng dẫn nhân dân phương pháp chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường sống tại địa bàn dân cư.
Ảnh:
Thu Hà
|
Trước tình hình trên, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố trong tỉnh tập trung nhiều giải pháp, tiếp tục duy trì mức giảm sinh, phấn đấu ổn định quy mô dân số và từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước mắt, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội với công tác Dân số - KHHGĐ. Triển khai có hiệu quả các đợt truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ở những xã khó khăn, xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao. Đa dạng hoá các loại hình truyền thông, lồng ghép chương trình Dân số - KHHGĐ với các chương trình y tế khác và với chương trình "Xoá đói giảm nghèo", phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kiện toàn bộ máy làm công tác Dân số - KHHGĐ ở các cấp, nhất là nâng cao trình độ, năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục triển khai Đề án "Kiểm soát dân số vùng biển" giai đoạn 2009-2020 ở 3 huyện ven biển Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với mục tiêu tăng cường kiểm soát quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng nguồn lao động, nâng cao chất lượng dân số trước và sau khi sinh… Triển khai và nhân rộng một số mô hình nâng cao chất lượng dân số như mô hình "Triển khai sức khoẻ và tư vấn tiền hôn nhân" và thực hiện tốt Đề án: "Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh", mở đường dây tư vấn sức khoẻ sinh sản cho thanh niên và vị thành niên. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng kỹ thuật siêu âm, chẩn đoán giới tính trước sinh và giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay. Tiếp tục mở rộng và phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá công tác Dân số - KHHGĐ gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả cộng đồng xã hội trong việc phấn đấu ổn định quy mô dân số để nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực cao phục vụ yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH quê hương, đất nước./.
Phạm Quốc Tuấn