Giải pháp hạn chế tác hại của người sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông

09:09, 10/09/2010

 

Công an huyện Trực Ninh xử lý đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 21, đoạn qua xã Liêm Hải.  Ảnh: Xuân Thu
Công an huyện Trực Ninh xử lý đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 21, đoạn qua xã Liêm Hải.
Ảnh: Xuân Thu

Trong những năm gần đây, tai nạn, va chạm giao thông liên quan tới rượu, bia có xu hướng gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu của cơ quan chuyên môn những người sử dụng rượu, bia quá mức không làm chủ được bản thân, dễ bị kích động, khi tham gia giao thông kể cả điều khiển phương tiện hoặc đi bộ đều bị giảm khả năng phán đoán và xử lý tình huống, dễ gây tai nạn cho chính mình và cho người khác. Các trường hợp này nếu bị thương khó thực hiện các biện pháp can thiệp y tế, nguy cơ mất máu cao, hạn chế tác dụng của thuốc dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, làm gia tăng chi phí xã hội nói chung và TTATGT nói riêng. Qua điều tra, xử lý hàng trăm vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh ta, gây tử vong hoặc bị thương cho hàng trăm người những năm qua, có không ít trường hợp liên quan đến việc sử dụng rượu bia của những người điều khiển phương tiện. Phần lớn người tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, trong đó không ít người đã sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện nhưng lực lượng chức năng không đủ phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, giám sát; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành y tế và công an về nghiệp vụ (như trong việc xác định nồng độ cồn trong máu của người gây tai nạn giao thông) do đó công tác xử lý người vi phạm gặp nhiều trở ngại, hiệu quả răn đe thấp. Chẳng hạn vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 1 người xảy ra ngày 22-7-2009 trên  QL 21 thuộc xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) do lái xe khách Đặng Ngọc Sơn, trú tại Kiến An (Hải Phòng) say rượu gây ra, lực lượng công an phải nhờ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình xét nghiệm mẫu máu mới có chứng cứ để xử lý người gây TNGT. Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) năm 2008 có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 cấm người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm người điều khiển môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1lít khí thở; đồng thời chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm này quy định tại Nghị định 34/CP cao hơn so với Nghị định 146/CP nhưng ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông chưa có chiều hướng giảm rõ rệt.

Để hạn chế tác hại của người sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông, công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, lâu dài là giải pháp hàng đầu mang tính chất phòng ngừa nhằm làm cho cộng đồng hiểu được tác hại của rượu, bia đối với gia đình, xã hội nói chung và TTATGT nói riêng. Sự răn đe giáo dục của pháp luật đối với người vi phạm là giải pháp tiếp theo cũng như đặt mục tiêu cấm và hạn chế sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông nhằm giảm thương vong cho họ, việc phát hiện và xử lý người vi phạm chỉ là biện pháp kèm theo chứ không phải là mục tiêu chính. Do đó người sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông phải ý thức được hành vi đó sẽ bị xã hội lên án, lực lượng chức năng chú ý và xử lý theo pháp luật; đồng thời thông qua công tác tuyên truyền để tạo được dư luận xã hội phê phán, lên án hành vi say rượu, bia làm ảnh hưởng đến TTATXH nói chung và TTATGT nói riêng. Cần có cơ sở pháp lý cho việc phối hợp giữa các ngành công an, y tế, giáo dục, giao thông, bảo hiểm… để tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo, thống kê, phân tích, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý người vi phạm; đồng thời phải được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của mặt trận ngay từ cơ sở, sự quản lý của nhà trường, doanh nghiệp vận tải, người sử dụng lao động. Riêng đối với các cơ sở đào tạo lái xe, Đoàn Thanh niên cần có nội dung giảng dạy, sinh hoạt lồng ghép phù hợp về tác hại của rượu, bia với ATGT, có thể xây dựng mô hình điểm về việc sử dụng rượu, bia đúng lúc, đúng mực. Hướng dẫn người tham gia giao thông cách làm chủ bản thân, xử sự an toàn sau khi đã uống rượu, bia, nhất là không trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đi đôi với tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất, kiên quyết xử lý nghiêm người vi phạm, phải trang bị cho lực lượng chức năng thiết bị kiểm tra nồng độ rượu nhanh chóng, dễ thao tác và có kết quả chính xác, đồng thời đưa ra xét xử nghiêm những vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn gây nên để tăng tính răn đe, giáo dục…

Thượng tá Trịnh Duy Dương

(Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com