|
Dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn ở Trung tâm dạy nghề Nghĩa Hưng.
Ảnh: Xuân Thu
|
Những năm qua, cùng với việc phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Hải Hậu luôn quan tâm phát triển sản xuất CN-TTCN, coi đây là hướng đột phá nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động. Một trong những giải pháp được Huyện uỷ, UBND huyện xác định là đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Cùng với việc thành lập Trung tâm dạy nghề, huyện đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Nhu cầu học nghề của người lao động khá đa dạng: người lao động ở các xã ven biển có nhu cầu học nghề dệt lưới; ở các xã khác tuỳ theo đặc điểm của địa phương người lao động có nhu cầu học nghề đan, dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc. Riêng nghề may, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có lao động có nhu cầu học. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động, Trung tâm dạy nghề huyện đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó có các nghề hàn điện, máy công nghiệp, đan, thêu, móc… là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao. Do đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng về đối tượng, độ tuổi, khả năng tiếp thu, điều kiện học tập khác nhau nên việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung sẽ không phát huy hiệu quả. Trung tâm đã lựa chọn hình thức tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở địa phương là những người có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Bằng hình thức này, sau 5 năm hoạt động, Trung tâm dạy nghề huyện Hải Hậu đã dạy nghề cho 4896 lao động nông thôn, trong đó có 636 lao động được học nghề dài hạn theo chương trình liên kết giữa Trung tâm và một số trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các học viên có trình độ trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tiếp nhận; các học viên học nghề ngắn hạn cũng dễ dàng tìm được việc làm tại các cơ sở, tổ hợp sản xuất ở khắp các địa phương trong huyện. Một số học viên sau khi được học nghề đã vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động ngay tại địa phương. Sau một thời gian thực hiện chủ trương phát triển sản xuất CN-TTCN, đến nay, 35/35 xã, thị trấn trong huyện đều có nghề phụ, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo đã góp phần quan trọng trong việc nhân cấy, duy trì, phát triển ngành nghề tại các địa phương trong huyện…
Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hải Hậu hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó nhận thức của lao động nông thôn, nhất là đối tượng lao động trẻ về lợi ích của việc học nghề vẫn còn hạn chế nên công tác tuyển sinh học nghề gặp khó khăn, không đảm bảo chỉ tiêu. Cán bộ làm công tác dạy nghề thiếu về số lượng, chất lượng. Trung tâm dạy nghề huyện, đơn vị đóng vai trò chính làm công tác dạy nghề của huyện hiện chỉ có 4 cán bộ, công nhân viên, chưa xây dựng được đội ngũ giáo viên cơ hữu, giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng và cộng tác viên, nên chưa thực sự yên tâm, gắn bó công tác lâu dài là nguyên nhân làm hạn chế chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hải Hậu…
Đại hội đảng bộ huyện Hải Hậu lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phát triển sản xuất CN-TTCN trên địa bàn; khôi phục, phát triển mạnh các làng nghề, ngành nghề nông thôn. Huyện đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác các CCN ở các xã Hải Phương, Hải Minh, thị trấn Thịnh Long, điểm công nghiệp ở xã Hải Thanh, thị trấn Yên Định. Thời gian qua trên địa bàn huyện có 23 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN trên địa bàn lên 60 doanh nghiệp. Nhu cầu về lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn trước mắt và lâu dài sẽ rất lớn; nhất là khi Khu kinh tế Ninh Cơ đi vào hoạt động, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ; một số doanh nghiệp của tỉnh cũng đang triển khai các dự án mở rộng sản xuất tại huyện Hải Hậu, trong đó có dự án của Cty may Sông Hồng cần khoảng 500 lao động qua đào tạo. Điều đó đòi hỏi công tác dạy nghề ở Hải Hậu cần phải được tăng cường về quy mô, chất lượng, hiệu quả. Những hạn chế, bất cập trong công tác dạy nghề hiện nay cần sớm được cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo khắc phục. Trong đó, công tác tuyên truyền làm cho người lao động, nhất là đối tượng lao động trẻ nhận thức được lợi ích của việc học nghề có ý nghĩa quan trọng, cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cho các cơ sở dạy nghề, có như vậy mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngày một cao, góp phần thực hiện hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ trên địa bàn./.
Duy Hưng