Chuyện hàng xóm

09:09, 17/09/2010

Đi công tác mấy ngày về, tôi nghe nói miếng đất nhà bên có người mua rồi, chuẩn bị làm nhà, thế là sắp có hàng xóm mới. Mấy năm gần đây, cái xóm nhỏ tiếp nhận thêm khá nhiều cư dân mới. Trước đây, xóm chỉ lèo tèo vài ngôi nhà, nhà này cách nhà kia một cái vườn rộng, hay chỉ là một hàng rào dâm bụt, mấy bụi chè cằn cỗi… Thế rồi, làng lên phố, đường sá mở thêm, đất đai trở nên đắt đỏ hơn, những người có mức thu nhập trung bình về vùng ven để mua đất dựng nhà, nhờ thế giá đất tăng từng ngày. Việc có thêm người mới làm bà con trong xóm háo hức lắm, thêm người thêm vui. Khi người ta mới dạm hỏi đất, mấy bà, cô trong xóm đã đon đả lại bắt chuyện làm quen. Và không quên vài câu "quảng cáo" cho xóm, đại loại:

- Xóm này tuy nghèo nhưng được cái bình yên lắm, chả có trộm cắp gì, dân mình cả !

Mà công nhận xóm này cũng "yên" thật, chả mấy khi thấy cãi cọ nhau, bà con quý nhau như người trong nhà. Hôm nào nhà có món gì ngon là chủ nhà lại mang biếu khắp cả xóm, nghĩa tình lắm. Những lúc trời mưa, nong cà không kịp gom lại, đám lúa phơi trong sân, mấy bộ đồ không cất kịp là lại có người tất tả chạy sang giúp. Hàng xóm mà! Tối lửa tắt đèn có nhau.

Rồi xóm bắt đầu đông đúc dần lên. Nhà ai có vườn rộng đều phân lô để bán, chỉ có nhà nào đông con thì để lại làm của hồi môn. Cũng từ dạo đó, những nhà có xu hướng thoát ra khỏi ruộng đồng bắt đầu chuyển sang kinh doanh. Ban đầu là "chị tạp hoá" đầu xóm, rồi đến cô Tám "ăn sáng", một anh theo đó cũng đặt cái ghế và tấm gương hớt tóc… Thấy kinh doanh ăn uống đắt hàng, mấy bà, mấy cô lúc nông nhàn cũng nghĩ thêm cách kiếm tiền bằng cách bán đồ nhậu; sáng thì bún, chiều là lòng xào nghệ, gỏi… cho mấy ông lai rai.

Và mọi chuyện cũng bắt đầu từ đó. Nhà đối diện thấy vợ người ta làm ăn thế, cũng tổ chức "họp" gia đình "kiếm việc gì đó kinh doanh". Sau mấy ngày suy nghĩ, anh chồng "à" lên: "Sáng nào muốn uống cà phê mình cũng phải chạy ra ngoài phố, bây giờ mình bán tại gia, làm cái này không cần vốn nhiều, mà sáng sáng mình lại có cà phê nhâm nhi. Còn gì sướng bằng!". Rồi vợ chồng anh tất tả ra chợ sắm mấy bộ bàn ghế kê ở sân trước nhà, mua sơn về hì hụi "vẽ chữ": Café bình dân kính mời! Thêm vài sợi dây đèn nháy xanh xanh đỏ đỏ. Chiều anh mở một lớp "tập huấn" cho cô vợ vốn lâu nay chỉ quen việc ruộng đồng cách pha cà phê.

Từ ngày có quán xá, mua bán gì cũng tiện. Nhà nào cần thứ gì chỉ dăm bước chân là có ngay. Nhưng cũng từ đó, xóm bắt đầu có những chuyện không hay. Vì cạnh tranh buôn bán, chị này muốn câu khách nên nói xấu quán chị kia. Các chị kể lại với chồng. Mấy anh chồng tức khí, bao nhiêu giận dữ đổ hết lên đầu vợ. Chén bát, mâm cơm rơi loảng xoảng trước hiên nhà. "Dẹp hết! Không buốn bán gì nữa!"...

Những chuyện như thế xảy ra ngày càng nhiều. Rồi xóm quê trở mình, những hàng rào "chè tàu", dâm bụt bị chặt bỏ, thay vào đó là những bức tường bê tông vững chắc cao quá đầu người, là lưới thép B40 giăng chắc chắn. Chẳng còn cái cảnh người ta bước qua vườn nhà nhau cất giùm bộ đồ, hay quét hộ đám thóc những khi trời mưa nữa. Giờ mỗi nhà một ti vi, người ta không còn ới nhau đi xem phim, không còn cảnh mỗi kỳ đá bóng, cánh đàn ông ngồi xem với nhau, bình luận. Mấy bà, mấy cô không còn túm tụm hóng mát và nói chuyện, nhổ hộ nhau mấy cái tóc sâu, hay chia nhau mớ rau vườn nhà nữa. Trong cái trở mình đó, người ta thấy có cái gì đó bất ổn... hình như tình làng nghĩa xóm không còn như xưa...

Bùi Hữu Cường



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com