Cảm xúc trước thềm Thăng Long 1000 tuổi

09:09, 01/09/2010

Đất Việt hồn thiêng, trời Nam mây sáng. Sông Hồng chảy về Hà Nội, phong ba từng trải non khơi biếc, nước thông nguồn, mang theo khí hạo nhiên, dương cao cờ độc lập.

Thăng Long Hà Nội 1000 năm lịch sử đã mang tên! Máu và hoa, nước mắt và nụ cười, phồn hoa và hoang phế, đổ nát và dựng xây, ra đi thầm lặng, trở về ca vang vinh quang vòng Nguyệt quế khắp phương Bắc trời Tây, lịch sử đã đi qua và hội tụ ở nơi này!

Hoàng thành Thăng Long.  Ảnh: Internet
Hoàng thành Thăng Long.     Ảnh: Internet

Thăng Long 1000 tuổi? Đây là Đại lễ 1000 năm, Hội vui toàn quốc, Hà Nội nơi lưu khách đến, gửi chiến tích đi, nơi chờ tri kỷ, nơi đón tri âm. Chúng ta tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long để tri ân với tiền nhân, tri ân với Bác Hồ kính yêu và tri ân với các anh hùng liệt sỹ đã vì nước quên thân để khuyên răn hậu thế: Làm việc gì cũng phải trên vì nước, dưới vì dân, dương cao cờ độc lập, tạo dựng thế đi lên.

Hướng tới 1000 năm Thăng Long, chúng ta xây dựng những công trình lớn lao bằng vật chất cũng là cần thiết. Nhưng nếu cứ cậy có nhiều tiền rồi đua nhau xây dựng mà ý nghĩa chính trị, ý nghĩa nhân văn chả đáng là bao mà còn gây nên chật chội, vướng tầm nhìn? Mỗi tấc đất của quốc gia là một tấc lòng của dân. Những công trình đó liệu có lãng phí đất đai của dân của nước? Giá như những khoản tiền nhiều chục tỷ đồng ấy đầu tư cho những công trình nghiên cứu khoa học để cải tạo môi trường nước sông Tô Lịch, Hồ Tây, đầu tư cho chống thiên tai bão lũ, đầu tư cho đào tạo nhân tài… để làm giàu cho dân cho nước thì ý nghĩa biết bao, giá trị trường tồn và cao đẹp biết mấy? Quả thật làm ra đồng tiền đã khó nhưng biết tiêu tiền lại càng khó hơn!

Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long những cây đại bút đâu rồi, sao không viết tiếp thiên tuỳ bút của Nguyễn Tuân về Người lái đò sông Đà hôm nay. Những bậc cao nhân đâu rồi, sao không viết tiếp Bài ca Tây Bắc - một bài ca tài hoa, bất hủ như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trước đây. Những nhà văn, nhà thơ lớn đâu rồi, sao không viết tiếp "Đường chúng ta đi" của Nguyễn Trung Thành, sao không viết tiếp "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, một cây bút đa tài để trước thềm Đại lễ cả nước Việt Nam ta, cả hành tinh này đều được tai nghe, mắt thấy.

Nước chúng ta!
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất.
Những buổi ngày xưa vọng nói về

Chúng ta tự hào vì chúng ta đã biết nghe và nghe rõ, cảm hiệu được tiếng của cha ông "đêm đêm rì rầm" nhủ thầm khuyên bảo cháu con: Phải lấy dân làm gốc, lấy phúc làm đầu, trọng hiền tài, tôn đức sáng, trừ phản loạn diệt gian tham, đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cho cường bạo. Nâng cao dân trí, đổi mới nghĩ suy, vũ lược luyện binh hùng, văn tài mưu kế sách. Lòng dạ mà quang minh thì dân tình hô ứng như mưa thuận gió hoà, làm việc gì cũng nên công, ước muốn gì cũng thành đạt. (ý của tiền nhân)

Dân tộc Việt Nam ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ công đức lớn lao của Bác Hồ tôn kính và Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chúng ta cám ơn những cây đại bút đã dùng con chữ "làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ, mỗi câu văn là bom đạn phá cường quyền" (ý thơ của Sóng Hồng) để Việt Nam ta "từ trong máu lửa rũ bùn đứng dậy sáng loà" (Nguyễn Đình Thi)

Trải qua 1000 năm lịch sử mặc dù ngày nắng lửa, đêm sương sa, sớm giông chiều bão nhưng 1000  thu năm tháng ấy đồng ruộng vẫn bội thu, công nghiệp vẫn phát đạt, thắng thù vẫn lừng danh. Hơn 900 năm trước có vua sáng tôi hiền, ngót trăm năm sau có trí Đảng tình dân, có Bác Hồ: "Người rực rỡ một mặt trời cách mạng". Trong lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước Bác đã hào sảng tuyên ngôn "Không có gì quý hơn độc lập tự do" để cả thế giới cùng nghe cho dân tình thấu hiểu cho kẻ thù phải kinh. Chân lý: Không có gì quý hơn độc lập tự do đã trở thành niềm tin và sức mạnh trở thành tình yêu và hạnh phúc.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Việt Nam ta đã bước lên thềm của WTO và toàn cầu hoá nhưng lời tuyên ngôn thống thiết của Bác Hồ kính yêu Không có gì quý hơn độc lập tự do vẫn luôn luôn là quốc sách chiến lược để Nhà nước ta bước vào hội nhập với phong độ đường hoàng tự chủ thế đi lên./.

(Nhà giáo Ưu tú  Hoàng Trung Hiếu
Hội viên Hội VHNT Nam Định)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com