Chọn mua đồ chơi cho trẻ em trên phố Trần Hưng Đạo (TP Nam Định).
Ảnh: Thu Hà
|
Tết Trung thu đến gần cũng là dịp để dư luận xã hội và các bậc làm cha, làm mẹ quan tâm đến chuyện vui chơi của trẻ nhỏ. Điều đáng buồn là thị trường đồ chơi trong những ngày này gần như tràn ngập các mặt hàng ngoại nhập. Tuy đã có sự trở lại của nhu cầu đồ chơi truyền thống dân tộc, nhưng lượng mua vẫn còn quá khiêm tốn và ngày càng ít đi những nghệ nhân làm ra chúng.
Phải thừa nhận, đồ chơi ngoại nhập phong phú cả về hình thức và chất lượng, thu hút trẻ nhỏ, phù hợp sở thích và tâm lý lứa tuổi các em. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất cũng tạo ra một nền công nghiệp đồ chơi hiện đại ở các nước, nâng cao được sức cạnh tranh về giá cả. Hiện nay, trên thị trường, đồ chơi ngoại nhập quá nhiều, mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ. Không ít đồ chơi còn thiếu tính giáo dục, không bảo đảm về chất lượng và an toàn vệ sinh. Đã có trường hợp trẻ em bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe bởi các đồ chơi được tận dụng từ nguyên vật liệu phế thải hoặc có sử dụng hóa chất độc hại. Trong khi đó, ngành sản xuất đồ chơi trong nước chưa mạnh, chưa đáp ứng nhu cầu của số đông trẻ nhỏ.
Để đồ chơi truyền thống của dân tộc thật sự có được sức hấp dẫn trẻ nhỏ, bên cạnh việc không ngừng sáng tạo, cải tiến về mẫu mã, nâng cao chất lượng, hình thức thể hiện, quan trọng là phải tạo ra được một "không gian sống", không gian tồn tại cho chúng bởi hầu hết đồ chơi truyền thống dân tộc thường gắn liền với một loại hình trò chơi mà ở đó chúng được thể hiện với đúng mục đích, ý nghĩa khi làm ra. Những chiếc đèn ông sao, đèn cù, bộ trống ếch, đầu sư tử thật đẹp nhưng không có lễ rước trông trăng và các hội chơi múa sư tử thì sẽ trở nên nhàm chán. Cũng như những con tò he tự nặn, chiếc mặt nạ tự vẽ cùng đám bạn sẽ thật đáng quý, đáng tự hào và chắc chắn đó là kỷ niệm đẹp trong hành trang cuộc đời mỗi người. Thông qua trò chơi sử dụng đồ chơi truyền thống còn giáo dục ở các em ý thức cộng đồng cùng những bài học nhẹ nhàng, thấm sâu về cách ứng xử xã hội và về lịch sử, văn hóa dân tộc.
Thực tế cho thấy, nếu để các trò chơi dân gian mai một cũng tức là chúng ta đang làm co hẹp lại không gian tồn tại của đồ chơi truyền thống. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của xã hội, nhà trường và gia đình trong việc tạo ra sân chơi cho trẻ em ở các khu dân cư và nhà trường, nhà văn hóa, công viên hay bảo tàng, từ đó tổ chức cho các em thường xuyên được tham gia các buổi sinh hoạt, các đêm hội và chơi những trò chơi cùng đồ chơi truyền thống dân tộc với tư cách là chủ thể tham gia sáng tạo dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, anh chị phụ trách đội và các nghệ nhân. Đó cũng là cách bảo tồn thiết thực nhất với các trò chơi - đồ chơi truyền thống, một di sản văn hóa dân gian độc đáo được lưu truyền qua các thế hệ, qua đó giúp các nghệ nhân và các làng nghề đồ chơi truyền thống có thể bảo lưu được nghề cha ông để lại./.
Tiến Cường