Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia vừa ban hành Kế hoạch hành động trong tháng 9-2010, triển khai các hoạt động của Tháng ATGT với chủ đề "Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng".
Hình ảnh những học sinh đi xe đạp dàn hàng ngang vào giờ tan học trên đường, hoặc thanh, thiếu niên tóc xanh, tóc đỏ, không đội mũ bảo hiểm (MBH), đèo ba, đèo bốn, đánh võng, lạng lách, uống rượu bia gây tai nạn giao thông từ lâu đã gây ấn tượng xấu trong xã hội. Ngay cả lực lượng cảnh sát giao thông cũng có tâm lý ngại ngần, bỏ qua không xử lý các trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông. Đồng chí Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: Điều này rất nguy hiểm, nếu đối tượng thanh, thiếu niên không được tuyên truyền, nhắc nhở đúng mức. Để làm được việc này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội.
Sinh viên, thanh niên tình nguyện Trường Đại học điều dưỡng Nam Định diễu hành hưởng ứng Tháng An toàn giao thông 2010.
Ảnh: Đức Đạt
|
Tháng An toàn giao thông hằng năm nhấn mạnh những chủ đề khác nhau. Năm nay, trọng tâm của Tháng ATGT hướng mạnh đến lứa tuổi thanh, thiếu niên, được coi là đối tượng có tỷ lệ gây tai nạn giao thông cao hơn cả. Theo đó, trong Tháng ATGT, các đơn vị chức năng từ Trung ương tới địa phương sẽ mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động xây dựng "văn hóa giao thông" với sự tham gia, hưởng ứng của các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, trường học.
Văn hóa giao thông không phải vấn đề trừu tượng, mà có thể cụ thể hóa từ việc thông thường hằng ngày như hiểu biết và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Vì thế, các khẩu hiệu cũng hướng đến sự cụ thể như: "Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng", "Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật về giao thông", "Đi bộ và sang đường đúng nơi quy định", "Đã uống rượu bia thì không lái xe", "Phải đội MBH cho trẻ em khi đi mô-tô, xe gắn máy",... Người tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết tôn trọng và nhường nhịn, chia sẻ, giúp đỡ người khác.
Cùng với đó là thái độ ứng xử chuẩn mực, văn minh, lịch sự của cả người tham gia giao thông với người thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT. Công tác tuyên truyền cũng tập trung mạnh mẽ và sâu rộng vào các chủ đề "Đội MBH cho trẻ em", "Rượu bia với ATGT",... Ngoài các phương tiện truyền thông đại chúng, việc tuyên truyền, giáo dục ATGT cũng được đưa vào trong nhà trường; các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị; tổ dân phố, thôn, bản; hệ thống truyền thanh cơ sở, áp phích, băng-rôn, khẩu hiệu, tờ rơi,... Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và cưỡng chế để đạt hiệu quả cao.
Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tập trung xử lý các lỗi như vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường, chú trọng phát hiện, xử lý các trường hợp không đội MBH cho trẻ em, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, không đội MBH,... Đồng thời, kiểm tra và xử lý các vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa; đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, không bảo đảm an toàn, nhất là vùng bị ảnh hưởng mưa lũ.
Các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng giao thông cần duy tu, bảo dưỡng công trình cầu, đường, tiếp tục rà soát, loại bỏ các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa bất hợp lý, bổ sung các biển báo hiệu ở những điểm cần thiết, nhanh chóng xử lý, khắc phục các "điểm đen" đã được xác định. Các trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt sẽ bị xử lý nghiêm. Trong dịp Quốc khánh và ngày khai giảng, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng phải có phương án phân luồng giao thông, hạn chế ùn tắc trên các tuyến, khu vực, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Về công tác vận tải, các cơ quan quản lý cần tiếp tục chấn chỉnh hoạt động vận tải khách bằng ô-tô, tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng lái xe an toàn cho đội ngũ lái xe, nhất là lái xe khách. Hoạt động vận tải thủy nội địa, nhất là đò ngang, đò dọc chở khách cũng phải siết chặt hơn nữa. Theo đó, tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn các bến khách ngang sông; ngăn chặn chở quá tải, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến, cảng và phương tiện thủy nội địa không bảo đảm các điều kiện an toàn, đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý phương tiện thủy chở khách và phục vụ du lịch.
Tháng ATGT chính là "điểm nhấn" giúp mỗi người dân nâng cao ý thức về bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, việc bảo đảm ATGT phải được coi là công việc thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành liên quan và mỗi người dân. Mục tiêu của việc bảo đảm ATGT là phải giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Tiếp đó, hình thành thói quen tôn trọng Luật Giao thông trong cộng đồng. Trên thực tế, có năm, trong Tháng ATGT, cả ba tiêu chí này không giảm mà lại tăng vọt. Điều đó cho thấy, có lúc, có nơi đã chưa thật sự chú trọng đến công tác này.
Tháng ATGT năm 2010, cho đến nay, về cơ bản các địa phương và bộ, ngành TW liên quan đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hoạt động, sẽ đồng loạt tổ chức lễ phát động, ra quân hưởng ứng vào ngày 31-8. Trong nhà trường, tháng 9 năm nay sẽ là thời điểm tăng cường giáo dục về Luật Giao thông; phối hợp TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông; xử lý "mạnh" nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô-tô hoặc điều khiển mô-tô không có GPLX./.
Minh Trang